Trẻ bị sốt virus thường sốt cao 38 - 39 độ C, thậm chí sốt tới 40 độ C. Khi dùng thuốc hạ sốt, trẻ hạ sốt được vài tiếng rồi lại sốt cao.
Trong và sau khi sốt bé sẽ ho, hắt hơi, chảy nước mũi, họng đỏ,… đó là các dấu hiệu của viêm đường hô hấp.
Cũng vì quá lo lắng cho con nhưng lại thiếu kiến thức về sốt virus nên nhiều bố mẹ đã mắc sai lầm khi chăm sóc con.
Dưới đây là 4 sai lầm của mẹ khi xử trí trẻ bị sốt virus
Thứ nhất, cho con uống hạ sốt quá sớm
Sai lầm đầu tiên mẹ hay mắc phải khi hạ sốt cho trẻ là cho con uống hạ sốt quá sớm. Nhiều mẹ thấy bé mới chỉ sốt 37,5 độ đã lo lắng con bị mệt mỏi nên đã cho con uống hạ sốt.
Điều này là không nên vì khi con bị sốt 37,5 hoặc 38 độ C, cơ thể bé có thể tự sản xuất ra kháng thể chống chọi với virus, vi khuẩn xâm nhập. Do vậy mẹ chưa cần cho bé uống hạ sốt quá sớm.
Khi trẻ bị sốt virus thường sốt cao từ 38,5 độ C trở lên, mẹ hãy cho bé uống hạ sốt.
Thứ hai, cho trẻ uống hạ sốt quá liều, uống quá gần nhau
Mẹ nghĩ bé sốt cao thì cho con uống nhiều thuốc hơn bình thường thì bé sẽ mau hạ sốt hơn. Vì thế mà khi bác sĩ chỉ định liều lượng cho bé nhưng mẹ lại cho con uống nhiều hơn so với liều bác sĩ kê.
Nhiều mẹ cũng sốt ruột nên cho con uống thuốc thời gian quá gần nhau. Vì dụ như hạ sốt paracetamol với liều 10-20mg/kg cân nặng, cách nhau 4-6 tiếng dùng một lần. Nhưng mẹ vì thấy bé sốt cao nên vừa cho con uống hạ sốt cách đây hơn 2 tiếng mà bé vẫn chưa hạ sốt mẹ vội cho bé uống tiếp để nhằm giúp con mau cắt ngay cơn sốt khó chịu này.
Điều này là hoàn toàn sai lầm. Việc cho trẻ uống nhiều thuốc hạ sốt hơn không giúp con mau hạ sốt mà còn có thể khiến bé bị ngộ độc paracetamol có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bố mẹ cần tìm hiểu để có kiến thức trong chăm sóc trẻ bị sốt virus. |
Thứ ba, tự ý cho bé uống kháng sinh
Sai lầm lớn nữa của bố mẹ khi trẻ bị sốt virus là cho con uống kháng sinh.
Kháng sinh chỉ dùng để trị vi khuẩn còn đối với virus thì sử dụng kháng sinh không những không có tác dụng gì mà còn khiến các vi khuẩn có lợi trong cơ thể bé bị tiêu diệt, khiến hệ miễn dịch của con bị suy giảm, gây ra tình trạng kháng kháng sinh.
Có một số trường hợp bé bị sốt virus mà bác sĩ cho con dùng kháng sinh, đó là khi trẻ đã bị bội nhiễm vi khuẩn. Tức là ban đầu nguyên nhân do virus gây bệnh tấn công, nhưng bé không được điều trị hay việc điều trị không hiệu quả làm vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh (bội nhiễm) khi đó việc sử dụng kháng sinh mới có hiệu quả và cần thiết.
Tuy nhiên tỷ lệ trẻ bị sốt virus mà bị bội nhiễm thường chiếm tỷ lệ ít, vì vậy các phụ huynh không nên tùy tiện sử dụng kháng sinh cho bé.
Thứ tư, kiêng không tắm cho trẻ khi bị sốt virus
Có nhiều phụ huynh nghĩ rằng khi trẻ bị sốt thì không tắm vì sợ nước làm con ốm thêm. Tuy nhiên, suy nghĩ này không đúng.
Trong thời gian bé bị bệnh, sức đề kháng của con rất kém, cơ thể bé mệt mỏi khi phải “chống chọi” với các tác nhân gây bệnh nên thời điểm này con rất dễ mắc thêm bệnh. Vì vậy việc vệ sinh thân thể cho con là vô cùng cần thiết, cơ thể bé sạch sẽ con sẽ tránh được sự tấn công của nhiều loại virus, đặc biệt là các loại virus gây bệnh ngoài da đang “nhăm nhe” chờ thời cơ tốt là “lao vào” gây bệnh cho trẻ.
Do đó, bố mẹ nên giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ cho bé bằng cách cho bé tắm cho trẻ bằng nước ấm, giữ gìn tay chân sạch cho con, mặc quần áo thoáng mát cho bé.
4 việc bố mẹ nên làm khi trẻ bị sốt virus
Theo bác sĩ khoa Nhi, khi trẻ bị sốt virus, bố mẹ nên:
- Thường xuyên theo dõi thân nhiệt của trẻ, khi con sốt > 38,5 độ C nên sử dụng thuốc hạ sốt, thường dùng là paracetamol với liều 10 – 20 mg/kg thể trọng, cách mỗi 4 – 6 tiếng dùng một lần.
- Tuyệt đối không tự dùng kháng sinh hay tự đi truyền dịch, cũng như lạm dụng dụng cụ xông họng vì có thể dẫn đến hỏng niêm mạc mũi, họng.
Đặc biệt không nên uống liên tục thuốc hạ sốt và không dùng nước đá hoặc nước quá lạnh, quá nóng để lau người, chỉ nên lau người cho trẻ bằng nước ấm tại các vị trí như cổ, nách, bẹn… và mặc quần áo thoáng mát cho bé.
- Vệ sinh thân thể và tay chân cho con sạch sẽ.
- Nếu bé sốt nhiều ngày (trên 5 ngày), hoặc sốt cao trên 39 độ C mà dùng thuốc hạ sốt không thấy hạ hoặc xuất hiện co giật, đau đầu liên tục, buồn nôn thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán đúng nguyên nhân và có biện pháp xử trí đúng cách.