Cụ thể, sân golf Vinpearl Quảng Nam do Công ty CP Vinpearl đầu tư thuộc tập đoàn Vingroup, địa điểm tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, có diện tích 70,35ha, quy mô dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf 18 lỗ.
Dự án có vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu chiếm 100%), thời gian hoạt động 50 năm. Dự án khởi công và hoàn thành 12 tháng kể từ ngày được phê duyệt.
Tương tự, dự án sân golf Lào Cai do Công ty TNHH dịch vụ cáp treo Fansipan Sa Pa, thuộc tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư. Dự án xây dựng xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với 18 lỗ trên diện tích 80ha trong đó có hơn 60ha đất rừng, 14.9ha đất trồng cây hàng năm, còn lại là đất nuôi trồng thủy sản, đất ở nông thôn, đất ở.
Vốn đầu tư của dự án hơn 552 tỷ đồng, dự kiến 3/4 - khoảng 440 tỷ đồng là vốn vay từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, còn hơn 110 tỷ đồng là vốn tự có.
Sân golf Lào Cai có thời gian hoạt động 70 năm, dự kiến đưa vào vận hành sau 2 năm sau khi được phê duyệt. UBND tỉnh Lào Cai hiện đã có quyết định phương án trồng rừng thay thế phần diện tích 60ha dành chuyển đổi xây sân golf tại xã Bản Qua.
Theo quyết định 1946 của Thủ tướng thì không được sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng để xây dựng sân golf.
Trong văn bản thẩm định sau đó, Bộ KH&ĐT đề nghị tỉnh Lào Cai phải chịu trách nhiệm việc chuyển đổi diện tích rừng thành sân golf theo quy định pháp luật. Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, hiệu quả kinh doanh của sân golf Lào Cai vượt trội, doanh thu đạt 105 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước 17,5 tỷ/năm, thời gian hoàn vốn dự án khoảng 9,5 năm.
Cũng theo quyết định của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, chủ đầu tư 2 sân golf này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực về các số liệu của hồ sơ dự án và hiệu quả đầu tư. Chủ đầu tư cũng phải tuân thủ các quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, tài nguyên nước... và các quy định của pháp luật liên quan khác.