Đằng sau cuộc đua sân golf: Cuộc hợp tác người nhà và "chiêu ve sầu thoát xác"

(khoahocdoisong.vn) - Quá trình cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Trường An (Công ty Trường An) cũng là thời điểm doanh nghiệp này đề xuất và đưa dự án sân golf tại Bắc Giang “lọt” vào quy hoạch. Sau cổ phần hóa, một nhóm cổ đông đang định hình lại công ty này.

Phải "gò" cho được dự án

Dự án sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang tại huyện Lục Nam vốn đã “manh nha” hình thành từ cuối năm 2013, khi tỉnh Bắc Giang phê duyệt Quy hoạch xây dựng dọc hai bên tuyến đường tỉnh 293 (đoạn từ TP Bắc Giang đến điểm giao với Quốc lộ 279).

Theo đó, khu vực lập quy hoạch được phân thành 4 đoạn. Trong đó có đoạn 1 ghi nhận hạng mục xây dựng sân golf tại xã Chu Điện (huyện Lục Nam) có quy mô khoảng 200ha – tức dự án sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang hiện nay.

Ít ngày sau, tháng 1/2014, tỉnh Bắc Giang phát văn bản, đồng ý chủ trương cho Công ty Trường An nghiên cứu, khảo sát, đề xuất lập quy hoạch xây dựng dự án sân golf tại các xã Khám Lạng, Chu Điện, huyện Lục Nam.

Đáng chú ý, tại văn bản này Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn xác định: “Văn bản có giá trị pháp lý hết tháng 12/2014. Quá thời hạn này, Công ty Trường An không thực hiện xong việc khảo sát, nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch sân golf thì hết hiệu lực pháp luật”.

Tới tháng 3/2015, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Trong đó, định hướng xác định Lục Nam là địa bàn phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản (không có yếu tố thể thao – PV).

Tuy vậy, bản Quy hoạch nêu trên lại nhắc tới dự án sân golf Chu Điện (huyện Lục Nam) trong danh sách dự án sản xuất kinh doanh mời gọi đầu tư của tỉnh.

Ba năm sau đó nữa, tháng 1/2018, UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận chủ trương dự án sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang cho Công ty Trường An. Và giao Sở KH&ĐT chủ trì lập hồ sơ báo cáo UBND tỉnh đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng xem xét bổ sung dự án (quy mô khoảng 200ha) vào quy hoạch sân golf.

Ngày 24/10/2018, Bộ KH&ĐT đã đồng ý bổ sung Dự án sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang vào quy hoạch sân golf Việt Nam năm 2020. Hồ sơ mà Báo KH&ĐS thu thập cho thấy, diện tích thực hiện dự án là 140ha và kèm theo đó là khoảng hơn 59ha đất dự trữ phát triển và cây xanh cách ly.

Sau khi dự án được bổ sung quy hoạch, tỉnh Bắc Giang vẫn “cấp tập” xin ý kiến Tỉnh ủy để cắt giảm, điều chuyển hàng chục ha đất thể dục thể thao ở các huyện Việt Yên và Tân Yên nhằm hợp lý hóa diện tích đất 140ha dành phục vụ sân golf nghỉ dưỡng cho Công ty Trường An. Những lý do tham chiếu để điều chỉnh mà UBND tỉnh dẫn ra là đến từ Nghị quyết 40/NQ-CP của Chính phủ - nhưng lại không được nêu trong Nghị quyết này (điển hình như diện tích đất cơ sở thể dục thể thao đến năm 2020 của các huyện).

Dự án sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang có diện tích khoảng 140ha, kèm theo đó là hơn 59ha đất dự trữ phát triển và cây xanh cách ly (ảnh minh họa).

Dự án sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang có diện tích khoảng 140ha, kèm theo đó là hơn 59ha đất dự trữ phát triển và cây xanh cách ly (ảnh minh họa).

Cú bắt tay với “người nhà”

Tháng 3/2014, Bộ Quốc phòng (BQP) ra quyết định cổ phần hóa Công ty Trường An. Trước đó 2 tháng, công ty này được tỉnh Bắc Giang đồng ý cho khảo sát, đề xuất quy hoạch sân golf tại Lục Nam.

Tới tháng 5/2015, cơ quan chủ quản phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty với vốn điều lệ 145 tỷ đồng. Trong đó, cổ phần nhà nước chiếm 30%, cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Thành Nam (Công ty Thành Nam) và Tổng Công ty CP Thương mại - Xây dựng là 33,16%.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tới cuối tháng 3/2017, Công ty Thành Nam đã sở hữu tới 56,5% vốn điều lệ Công ty Trường An, trong khi đó BQP vẫn nắm 30% vốn điều lệ.

Khá thú vị, Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Dậu (SN 1957) của Công ty Trường An là đại diện sở hữu toàn bộ lượng cổ phiếu của Công ty Thành Nam. Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc của Trường An - ông Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1980) - đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc Công ty Thành Nam từ năm 2012 tới thời điểm đó và cũng là đại diện sở hữu toàn bộ lượng cổ phiếu của Tổng Công ty CP Thương mại - Xây dựng tại Trường An.

Cộng gộp cả lượng cổ phần sở hữu của ông Nguyễn Duy Dậu và Nguyễn Mạnh Hùng, đã vượt xa tỷ lệ sở hữu của cơ quan chủ quản tại Công ty Trường An (56,5% + 9,95% so với 30%).

Từ tháng 2/2017, ông Nguyễn Mạnh Hùng thay thế vị trí của ông Nguyễn Duy Dậu là người đại diện theo pháp luật của Công ty Trường An. Điểm trùng hợp, cả hai cá nhân này đều có cùng địa chỉ đăng ký thường trú tại ngách 135/30, phố Nguyễn Văn Cừ (TP Hà Nội).

Đầu tháng 11/2017, Công ty Trường An ký hợp đồng với Công ty Thành Nam về việc đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf tại Lục Nam (tỉnh Bắc Giang). Hợp đồng thể hiện, Công ty Thành Nam có địa chỉ tại ngách 135/30, phố Nguyễn Văn Cừ - tức trùng hợp hoàn toàn với địa chỉ thường trú của 2 lãnh đạo cấp cao Công ty Trường An. Theo hợp đồng này, hai công ty sẽ góp 240 tỷ đồng vào dự án (tương đương 20% tổng đầu tư) – trong đó Công ty Trường An góp 122,4 tỷ đồng, Công ty Thành Nam góp 117,6 tỷ đồng.

Hai bên thống nhất ủy quyền cho Công ty Trường An thực hiện toàn bộ giai đoạn 1 (chuẩn bị đầu tư), sau khi hoàn thành giai đoạn 1 (được cấp GCN) hoặc thời điểm thích hợp, hai bên sẽ lập pháp nhân mới và bên Thành Nam sẽ thanh toán chi phí cho bên Trường An theo tỷ lệ tương ứng.

Tháng 10/2018, hai công ty ký Phụ lục hợp đồng liên quan tới dự án sân golf. Theo đó, diện tích khu đất dự án co lại còn 140ha (so với gần 200ha trong hợp đồng hợp tác). Đồng thời, mức đầu tư dự án chỉ còn 739 tỷ đồng (so với hơn 1.000 tỷ đồng trước đó) – tỷ lệ góp vốn của từng bên cũng co lại tương ứng.

Như vậy có thể thấy, từ quá trình xin lập, khảo sát dự án đến kết quả được bổ sung Dự án sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang vào quy hoạch cũng là giai đoạn quan trọng Công ty Trường An tiến hành cổ phần hóa thành công. Nhưng thực tế đến nay nhóm cổ đông cá nhân Nguyễn Duy Dậu (SN 1957) và Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1980) đang nắm tỷ lệ cổ phần chi phối vượt trội, cũng như đã và đang đảm trách những vị trí quan trọng tại Công ty Trường An.

Vậy thì, lực lượng vũ trang có nhất thiết cần phải kinh doanh sân golf đến nỗi sẵn sàng làm cổ đông thiểu số trong Dự án sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang? Nếu không cần, thì phải chăng vốn của nhà nước đang bị lợi dụng trong dự án này?

Sử dụng đất quốc phòng làm sân golf cũng không là hiện tượng hiếm gặp. Trong đó, sân golf Long Biên (Hà Nội) và sân golf Tân Sơn Nhất (TPHCM) của Tập đoàn Him Lam có thể coi là những trường hợp tiêu biểu. Được biết, tại hai sân golf này cũng có vai trò tham gia của Công ty Trường An.

Theo Khoa học & Đời sống
back to top