Sân golf Đồng Tâm – Hòa Bình: Bóng đại gia tại dự án đang "chịu tiếng" phá rừng

(khoahocdoisong.vn) - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình vừa có Văn bản số 840/SKHĐT-DN gửi các bộ để lấy ý kiến thẩm định hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án Sân golf Đồng Tâm do Công ty CP Du lịch Đồng Tâm đề xuất.

Một dự án thiếu khả thi, thừa trục trặc

Ngày 22/01/2008, UBND tỉnh Hòa Bình đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số cho Công ty CP AVE. Theo đó, mục tiêu của dự án là đầu tư gần 387 tỷ đồng xây dựng, kinh doanh khu du lịch sân golf 36 lỗ; khách sạn 5 sao 168 phòng; 263 biệt thự nhà vườn; khu thể thao văn hóa vui chơi giải trí; vật lý trị liệu; dịch vụ nhà hàng, câu cá, bán đồ lưu niệm; các hoạt động du lịch, nuôi, trồng các loại cây cảnh, thủy sản... tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy.

Cũng theo giấy chứng nhận đầu tư trên, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ năm 2004, được chia làm 3 giai đoạn thực hiện (giai đoạn I – năm 2008; giai đoạn II – năm 2009, 2010; giai đoạn III - 2011). Năm 2011 phải hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa toàn bộ dự án vào khai thác kinh doanh. Nhà đầu tư được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu và tiền thuê đất.

Ban đầu, vào năm 2004, UBND tỉnh Hòa Bình đã cho phép Công ty CP AVE xây dựng một khu du lịch sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy sản trên chính phần đất này. Từ năm 2006, công ty đã phá một phần rừng nhỏ để triển khai dự án. Nhưng tới tháng 4/2008, khi được cấp chủ trương làm sân golf, công ty đã ồ ạt phá hàng chục nghìn m2 rừng phòng hộ. Do cư dân trong khu vực phản ứng dữ dội, UBND tỉnh Hòa Bình đã đình chỉ xây dựng dự án, yêu cầu Công ty CP AVE đền bù những thiệt hại rừng, trồng trả lại rừng phòng hộ, khơi thông lòng hồ Đồng Tâm.  

Đến năm 2009, UBND tỉnh Hòa Bình điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần AVE. Lúc này, mục tiêu còn lại của dự án là đầu tư phát triển hài hòa trên cơ sở tiềm năng sẵn có của khu vực để xây dựng một quần thể du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng cao cấp, hội thảo, hội nghị, thể thao văn hóa và vui chơi giải trí, trồng cây cảnh và nuôi trồng thủy sản. Nhưng sau hơn 10 năm, hiện dự án chỉ có một ngôi nhà điều hành cũ, hồ nước và mấy căn nhà ven hồ, chứ không như mục tiêu có một quần thể du lịch tại đây.

Đồng thời, chủ đầu tư dự án đã dịch chuyển từ Công ty CP AVE thành Công ty CP Du lịch TH, rồi Công ty CP Du lịch Đồng Tâm. Theo đăng ký kinh doanh, công ty dự án này được thành lập trên cơ sở góp vốn từ Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ thương mại Vạn Niên (người đứng đầu là ông Chu Đức Long) với tổng mức vốn là 50,4 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư xây dựng Thương mại và Công nghệ Hà Nội (người đứng đầu là ông Thái Duy Đô) với tổng vốn góp là 45,15 tỷ đồng VNĐ, và một nữ doanh nhân nổi tiếng góp 9,45 tỷ đồng.

Lưu ý là, những cá nhân góp vốn vào dự án đều có mối quan hệ thân thiết. Trong đó, ông Chu Nguyên Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Đồng Tâm cũng đang là Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP.

12.000 đồng/m2 đền mỗi m2 đất rừng

Tháng 8/2017, UBND tỉnh Hòa Bình gửi công văn, đề nghị các bộ quản lý bổ sung sân golf tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy vào Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Lý do, UBND tỉnh cho biết sân golf Đồng Tâm đáp ứng điều kiện về quy hoạch sân golf. Đồng thời khu vực dự kiến xây dựng sân golf không ảnh hưởng tới quỹ đất nông nghiệp, không sử dụng đất rừng phòng hộ... Đó là một sự thay đổi rất lớn, so với lý do UBND tỉnh đình chỉ thực hiện chính dự án này, vì lý do tự ý phá ừng phòng hộ.

Và khi đã chậm hơn 10 năm, thì thay vì bị thu hồi, thì UBND tỉnh Hòa Bình lại dành ưu ái dự án nhiều hơn cho dự án. Theo hồ sơ đề xuất, dự án Sân golf Đồng Tâm có quy mô 18 lỗ, có nhu cầu sử dụng 106,97ha đất. Mục tiêu của dự án là phát triển du lịch, thể thao, thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông – lâm nghiệp sang lĩnh vực du lịch, dịch vụ theo hướng phát triển kinh tế chung của tỉnh Hòa Bình, hình thành một khu kinh tế dịch vụ đồng bộ, phục vụ thương mại, du lịch và giải trí; khai thác hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất hiện có, tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương; tăng thu ngân sách hàng năm cho tỉnh Hòa Bình.

Đáng chú ý, về hiện trạng đất, UBND tỉnh cho biết trong số 106,97ha đất thu hồi, có 102,84ha đất lâm nghiệp. Trong đó, rừng sản xuất chiếm 86,23ha; đất trồng cây lâu năm 8,12ha; đất núi đá không có rừng 8,49ha. Ngoài ra là 0,89ha đất trồng lúa và 3,24ha là đất khác.... Phần lớn diện tích đất này là của 2 doanh nghiệp Nhà nước. Đó là Công ty TNHH MTV Sông Bôi Hòa Bình và Công ty TNHH MTV Thanh Hà Hòa Bình. UBND tỉnh đã thu hồi đất rừng của hai doanh nghiệp này vào tháng 12/2014 và tháng 08/2017 để làm sân golf, với lý do cả 2 doanh nghiệp này... không có nhu cầu sử dụng. 

Khi tính toán chi phí bồi thường thu hồi đất và các khoản hỗ trợ, tại bản thuyết minh, nhà đầu tư đã đề xuất mức tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để triển khai dự án xây dựng sân golf Đồng Tâm là hơn 249 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường về đất là hơn 15 tỷ đồng, đền bù về cây trồng là hơn 164,4 tỷ đồng, hỗ trợ là gần 40 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng (2%) là gần 4,5 tỷ đồng, chi phí khác là hơn 22,6 tỷ đồng.

Nếu chia bình quân theo đề nghị này, mức bồi thường đất rừng chỉ là 12.000 đồng/m2, đất trồng cây hàng năm chỉ 45.000 đồng/m2, đất trồng cây lâu năm đơn giá 60.000 đồng/m2. Nhà đầu tư cho biết, đề xuất mức bồi thường này được khái toán dựa theo đơn giá quy định tại Quyết định số 37/2014/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 ban hành quy định bảng giá các loại đất năm 2015 – 2019 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.

Bằng cách nào một dự án đã bị đình chỉ thực hiện đến cả thập kỷ, nay lại được phép triển khai thực hiện do chỉ sử dụng đất rừng sản xuất ? Đây là câu hỏi rất cần được trả lời từ dự án sân golf Đồng Tâm của tỉnh Hòa Bình.

Theo Đời sống
Những mẫu nhà cấp 4 giá rẻ, đẹp nhất 2024

Những mẫu nhà cấp 4 giá rẻ, đẹp nhất 2024

Những năm gần dây, nhà cấp 4 2 phòng ngủ thiết kế đơn giản, mang hơi hướng hiện đại làm toát lên vẻ đẹp tinh tế. Nhà cấp 4 với 2 phòng ngủ được ưa chuộng bởi sự tiện nghi và chi phí xây dựng thấp. 
back to top