Khấp khểnh thông tin?
Theo đó, địa điểm xây dựng sân golf tại các xã Bình Minh, Dạ Trạch và Hàm Tử, huyện Khoái Châu, Hưng Yên với tổng diện tích khoảng 1.022.015m2 (102,2ha). Mục tiêu của dự án là xây dựng sân golf 18 lỗ chuẩn Quốc tế kết hợp khu dịch vụ ẩm thực tổng hợp phục vụ sân golf. Với 520 thẻ chơi golf được phát hành bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn, thu hút khoảng 2.500 lượt/năm với Khu dịch vụ ẩm thực tổng hợp.
Theo ghi nhận, trong nhiều văn bản của Chủ đầu tư - Công ty CP Golf Sông Hồng cho biết được thành lập ngày 14/07/2014 tại Hưng Yên, thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 6 ngày 11/01/2019. Công ty có trụ sở chính tại số 10A phố Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cổ đông sáng lập Công ty CP Golf Sông Hồng gồm ông Phạm Thành Long, Chủ tịch HĐQT nắm 70% vốn điều lệ, bà Trần Đào Vũ nắm 25% vốn điều lệ, ông Trần Nguyên Bình 5% vốn điều lệ còn lại.
Còn tại Báo cáo số 139/BC-UBND ngày 05/09/2014 của UBND tỉnh Hưng Yên thì trụ sở doanh nghiệp này lại ở D116, phố Trúc, Khu đô thị Ecopark, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên.
Tuy nhiên, tại trang 5 trong bộ hồ sơ trình các cấp về sân golf Sông Hồng, Công ty CP Golf Sông Hồng cho biết có trụ sở tại tầng 3, số 3, ngõ 489 Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Theo hồ sơ này, thì người đại diện của Công ty là ông Võ Điệp Hùng (sinh năm 1951), Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty.
Điều khó hiểu là, theo thông tin trên trang đăng ký kinh doanh của Bộ KH&ĐT thì Công ty CP Golf Sông Hồng có địa chỉ duy nhất tại số 10A phố Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, không đăng ký chi nhánh hay văn phòng đại diện nào. Nói cách khác, Công ty CP Golf Sông Hồng không chắc có là doanh nghiệp trụ sở tại Hưng Yên, như một số văn bản doanh nghiệp này khẳng định, và trong các văn bản của các cơ quan, ban, ngành tỉnh Hưng Yên nêu tại hồ sơ xin ý kiến cơ cơ quan trung ương.
Sự khấp khểnh về thông tin của Công ty CP Golf Sông Hồng không chỉ tại địa chỉ trụ sở, mà còn trong thông tin về người đại diện pháp luật, cụ thể là Chủ tịch HĐQT. Theo biên bản họp thống nhất đầu tư cho dự án này thì ông Phạm Thành Long lại là Chủ tịch HĐQT. Thế nhưng, theo thông tin trong hồ sơ trình các cơ quan chức năng thì Chủ tịch HĐQT là ông Võ Điệp Hùng.
Vì sao bộ hồ sơ dự án sân Golf Sông Hồng trình lấy ý kiến các cơ quan chức năng do tỉnh Hưng Yên tập hợp lại khấp khểnh về thông tin như vậy ? Đó là câu hỏi thú vị, khi được đặt ra với hệ thống cơ quan chức năng của tỉnh. Vì dường như tính chuyên nghiệp trong hồ sơ về dự án sân Golf Sông Hồng là khá thiếu thốn. Đó cũng chỉ là phần nhỏ vấn đề từ đề xuất của tỉnh Hưng Yên đối với dự án sân golf này.
Vội vàng triển khai?
Dự án sân golf Sông Hồng nằm trong Khu văn hóa, Du lịch và Dịch vụ thể thao Chử Đồng Tử - Kim Dung theo Quyết định số 1310/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên, ngày 06/08/2014. Đây là dự án có mục tiêu bảo tồn, phát huy Khu di tích văn hóa Chử Đồng Tử thành Khu văn hóa, Du lịch và Dịch vụ thể thao.
Tuy vậy, không hiểu vì lý do gì, Sở KH&ĐT tỉnh Hưng Yên khi chuyển Văn bản lấy ý kiến các bộ: KH&ĐT, Xây dựng, Công thương, GTVT, TN-MT, NN&PTNT… thì lại “quên” gửi lấy ý kiến cho dự án này từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch?.
Theo Quyết định số 1310/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt quy hoạch 1/2000 Khu văn hóa, Du lịch và Dịch vụ thể thao Chử Đồng Tử nêu rất rõ về hệ thống thoát nước thải và vệ sinh môi trường. Theo đó, tổng lưu lượng nước thải theo tính toán lấy bằng lưu lượng nước cấp khoảng 3.190m3/người. Mạng lưới thoát nước thải chia thành 2 lưu vực thoát nước:
Với khu dân cư hiện trạng thôn Đa Hòa, nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình, các công trình công cộng sau khi qua bể tự hoại tại công trình hiện đang thiết kế chung với đường thoát nước mưa và xả ra sông Hồng.
Đối với khu vực du lịch, dịch vụ thể dục thể thao (khu vực Dự án sân golf Sông Hồng): Định hướng sử dụng hệ thống thu gom và xử lý nước thải cục bộ nước thải từ các hoạt động thể dục thể thao, chăm sóc cây trồng, dịch vụ công cộng được thu gom bằng hệ thống riêng và xử lý đạt tiêu chuẩn quy định, được cơ quan quản lý môi trường cho phép trước khi thoát ra hệ thống nước mặt của khu vực Chi tiết giải pháp thiết kế cụ thể sẽ được thực hiện ở giai đoạn triển khai của dự án riêng.
Bên cạnh đó, sau khi quy hoạch phòng chống lũ chi tiết tuyến Sông Hồng đoạn qua tỉnh Hưng Yên được duyệt, nếu quy hoạch của Dự án Khu văn hóa, Du lịch và Dịch vụ thể thao Chử Đồng Tử không phù hợp thì Chủ đầu tư có trách nhiệm chủ động đề xuất điều chỉnh quy hoạch, trình UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt theo quy định, và chịu mọi chi phí do phải điều chỉnh quy hoạch.
Tuy nhiên, quy hoạch vùng thoát lũ Sông Hồng, theo ghi nhận của PV, tới thời điểm này vẫn đang dừng ở việc lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Bên cạnh đó, Dự án Khu văn hóa, Du lịch và Dịch vụ thể thao Chử Đồng Tử - Kim Dung cũng mới chỉ dừng ở Quyết định phê duyệt quy hoạch 1/2000. Như vậy, Sở KH&ĐT tỉnh Hưng Yên gửi văn bản lấy ý kiến các bộ về thực hiện dự án sân golf này liệu có vội vàng?
Nếu Dự án sân golf Sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai trước khi quy hoạch vùng thoát lũ Sông Hồng được phê duyệt, và trước khi Dự án Khu văn hóa, Du lịch và Dịch vụ thể thao Chử Đồng Tử - Kim Dung được triển khai, rất có thể các hạng mục sẽ khó có thể khớp với nhau nhịp nhàng. Tất nhiên, vấn đề này sẽ được các bộ cho ý kiến trong văn bản góp ý về dự án sân golf này. Đặc biệt, Bộ NNPTNT sẽ có ý kiến “sâu” nhất về nội dung này.