Không có công nghệ phù hợp
Theo TS Trần Đình Bá, dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) đã từng bị Quốc hội khóa XII bác bỏ, đến dự án lần này cũng tương tự như thế. Chỉ khác con số đầu tư 56 tỷ USD cho ĐSCT 300km/h trước đây thành 59 tỷ USD cho ĐSCT – ST (đường sắt cao tốc - siêu tốc) 350km/h. Thông thường, suất đầu tư của ĐSCT – ST từ 65 - 75 triệu USD/km.
Cụ thể, Đài Loan (Trung Quốc) làm 300km ĐSCT 300km/h hết 20 tỷ USD, Malaysia ký với Trung Quốc làm 370 km với 27 tỷ USD, ta làm 1.500km – gấp 5 lần số đó, lại là siêu tốc 350km/h thì phải là 120 - 130 tỷ USD, thậm chí trượt giá là 130 - 150 tỷ USD. Điều đáng nói là loại đường sắt này chỉ chở hành khách, không chở được hàng hóa nên hiệu quả về kinh tế xã hội rất thấp.
Một điều nữa theo TS Trần Đình Bá là luận chứng kỹ thuật của dự án ĐSCT có vấn đề. ĐSCT- ST 350km/h chỉ chạy trên cầu cạn, hợp với vùng ôn đới ít bão - sấm sét, lại phải chạy bằng điện hạt nhân mới đảm bảo, có tới 95% công đoạn là tự động hóa. Việt Nam không có điện hạt nhân, lại ở vùng nhiệt đới gió mùa lắm nắng, nhiều mưa, sấm sét, lốc xoáy có thể xảy ra bất chợt nên rất nguy hiểm.
Mới đây, dựa trên các phân tích của các chuyên gia Đức và Hà Lan, Bộ KH&ĐT đưa ra phương án cải tạo dần để chuyển thành đường sắt cao tốc, rồi sau đó tính phương án xây dựng đường mới chạy song song. Đồng thời, tổng mức đầu tư dự án khoảng 26 tỷ USD, giảm hơn 32 tỷ USD so với đề xuất của Bộ GTVT. Phương án này phù hợp với đường sắt quốc gia 1.435m tốc độ cao có trong luật Đường sắt Việt Nam 2018 nhưng trong bối cảnh nợ công còn cao như hiện nay thì còn số 26 tỷ USD vẫn là xa vời.
Mở rộng đường sắt trên nền đường cũ
Để cải tiến ngành đường sắt, tiết kiệm chi phí, theo TS Trần Đình Bá nên tập trung nguồn lực mở rộng hiện đại đường sắt 1.435m ngay trên nền đường cũ cho toàn bộ hệ thống để giải quyết nhanh bài toán giao thông hiện nay chỉ mất 5-6 tỷ USD. Sau đó sẽ mở tuyến song song từng đoạn cho đến hoàn thành đường đôi toàn bộ, cách này phù hợp với tăng trưởng dân số và phù hợp nền kinh tế hơn theo bài học kinh nghiệm Đường dây cao áp 500kV mạch 1 xong rồi mới đến mạch 2.
Các nước trên thế giới thực hiện các dự án đường sắt cao tốc có lộ trình. Trung Quốc đã mở rộng hệ thống đường sắt 1m, 1.067m, 1.435m qua đường sắt quốc gia thống nhất khổ 1.435m tốc độ cao 150 - 200km/h ngay trên nền đường cũ, vừa tiết kiệm không phải đền bù, sau đó làm đường đôi. Mở rộng khổ đường sắt quốc gia từ 1m sang 1.455m là giải pháp thông minh để tăng momen kháng lật và tăng tốc an toàn. Với đường sắt cũ kĩ của chúng ta hiện nay, nên có biện pháp nâng cấp, cải tạo, vừa khả thi, vừa mang lại giá trị, hiệu quả và không làm tăng gánh nợ công.
Luật Đường sắt Việt Nam 2006 và 2018 chỉ cho phép sự có mặt đường sắt quốc gia 1.435m tốc độ thường 100 - 140km/h đến tốc độ cao 150 - 200km/h. Nâng cấp đường sắt quốc gia khổ 1m tốc độ thấp 45 - 90km/h có mô men kháng lật thấp dễ lật tàu thành 1.435m tốc độ cao 150 - 200km/h là thông minh và khôn ngoan nhất, phù hợp hơn trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay.