Dùng hành thì kiêng quế
TS Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên Trưởng khoa nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, Đông y xem quế là 1 trong 4 vị thuốc quý: sâm, nhung, quế, phụ. Tuy nhiên, phải quế trên 15 năm mới là quế tốt, trên 30 năm là loại đặc biệt. Và ở Việt Nam chỉ có các vùng: Yên Bái; Trà Mi (Quảng Nam); Trà Bồng (Quảng Ngãi); Quế Phong (Nghệ An); Thường Xuân (Thanh Hóa); Quảng Ninh là quế cho chất lượng tốt nhất.
Trong quế có nhiều khoáng chất như kali, canxi, sắt, mangan, kẽm và ma giê, một lượng cao vitamin A, niacin, axit pantothenic và pyridoxine. Quế còn chứa chất xơ và chất chống oxy hoá. Quế có 2 loại: vỏ cành to gọi là quế Thượng biểu, vỏ cành nhỏ gọi là quế chi. Dân gian thường sử dụng quế chi trong phòng và chữa bệnh. Quế chi tính nóng, vị cay hơi ngọt, không độc. Quế chi giàu tanin (5%) và tinh dầu (1,2-1,5%). Tinh dầu quế chứa tới 80,85% aldehyd cinnamic.
Quế chi có tác dụng làm thông kinh mạch, ấm cơ thể, trừ độc khí bên ngoài xâm nhập, chữa cảm gió đổ mồ hôi, nhức đầu, đau mình, đau nhức các khớp xương, gân cơ… Tuy nhiên, do tính cay, nóng, Đông y kiêng kỵ dùng quế cho phụ nữ có thai và những người có tính nhiệt. Khi bốc thuốc dùng quế thì phải kiêng hành, hoặc dùng hành kiêng quế.
Mặt khác, trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, kỹ thuật khai thác, sơ chế và bảo quản vỏ quế không đảm bảo dẫn đến bị mốc, mối mọt, mất hương vị và lượng dầu. Khi đó, quế không còn đảm bảo về chất lượng an toàn thực phẩm, nếu dùng sẽ có nhiều độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe. Đông y cũng khuyến cáo, quế là vị thuốc tính nóng nên người bị cao huyết áp chỉ được dùng không quá 0,5-2,5g bột/lần uống với nước ấm. Với các bệnh khác, thông thường dùng từ 3-5g bột quế/lần.
Không nên uống quá 2,5g bột quế mỗi ngày.
Cẩn trọng khi sử dụng
Cùng quan điểm với TS Nguyễn Thị Vân Anh, PGS TS Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng cũng cho biết, ở châu Âu và Mỹ khuyến cáo không dùng thường xuyên 6g quế hàng ngày quá 6 tuần. Đây là mức độ an toàn cho cơ thể để tránh tích tụ các chất độc. Có một thời kì, Châu Âu đã từng cấm sử dụng quế màu đỏ, dày vì tác dụng phụ của nó với gan.
Trong vỏ quế có chứa Coumarin có thể dẫn đến suy gan nếu sử dụng hàng ngày hoặc với liều lượng cao. Trừ khi có chỉ định và giám sát của bác sĩ, những người đang dùng thuốc trị đái tháo đường, hoặc biệt dược tác động lên nồng độ glucoza trong máu, hoặc nồng độ insulin, không nên ăn uống quế trong quá trình điều trị.
Quế với liều lượng cao có thể gây nguy hiểm cho những ai có vấn đề về tim, vì quế sẽ làm tăng nhịp tim. Cá biệt, quế cũng là một vị thuốc gây dị ứng với triệu chứng chảy nước mũi, nước mắt, đau mắt, thở dốc (với tinh dầu quế), đau bụng, sưng mặt hoặc tay, sốc phản vệ (nhịp tim loạn, chóng mặt, choáng, giảm huyết áp đột ngột) và buồn nôn.
Bột quế không nên dùng quá 6g/ngày.
Để dùng quế an toàn, TS Nguyễn Thị Vân Anh cho biết, trước tiên cần dùng quế tốt, đúng chất lượng, không mối mọt, không để lâu, bảo quản đúng cách. Quế dùng uống trực tiếp hoặc chế biến thực phẩm phải được bọc túi nilon bảo quản trong hộp kín, còn mùi thơm, vị cay và tinh dầu. Vào mùa đông có thể thêm quế vào chế độ ăn uống để giúp tăng nhiệt độ cơ thể, chống lạnh, tăng trí nhớ nhưng chỉ nên rắc một chút đầu thìa cà phê lấy hương vị. Không nên dùng quá 5g quế một ngày.
Nếu giảm đau khớp cấp thì có thể uống liều 1/2 thìa cà phê quế pha với nước ấm cùng 1 thìa mật ong vào buổi sáng. Các bệnh đau dạ dày, đau bụng, ỉa chảy, choáng, cảm lạnh, buốt các ngón tay chân, ho hen, đau lưng, bế kinh, thống kinh… dùng vỏ 0,9-3g cho vào cốc và pha nước sôi, đậy kín một lát rồi uống. Cũng có thể dùng 1-4g ngâm rượu hoặc sắc uống, hoặc dùng bột không quá 2,5g/lần uống với nước ấm.
Hồng Linh