Đừng nghĩ giẻ lau thì phải bẩn

Theo các chuyên gia, việc để các loại giẻ lau bẩn cũng tai hại như phơi khăn mặt trong nhà vệ sinh.

Vi khuẩn sẽ bám dính, sinh sôi trong những vật dụng này. Giẻ lau bẩn trở thành đồ vật lây nhiễm chéo các loại vi khuẩn có hại cho sức khỏe như E.coli.

Nguy hại từ khăn lau bếp

Các nhà khoa học từ Đại học Mauritius (Châu Phi) vừa kiểm tra 100 khăn lau bếp đã được sử dụng trong một tháng. Họ phát hiện E.coli trong khăn lau nhà bếp được sử dụng cho nhiều việc như lau đồ dùng và làm sạch bề mặt bếp, cũng như lau khô tay. Sử dụng khăn lau trong thời gian dài làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.

Các tác nhân gây bệnh tiềm ẩn có thể lây lan vi khuẩn và dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Các nhà chức trách khuyến cáo nên rửa hoặc thay khăn lau, bọt biển cũng như găng tay dùng cho lò nướng thường xuyên hoặc làm sạch và để khô trước khi tái sử dụng.

Trong số 49 mẫu dương tính với vi khuẩn, 36.7% chứa vi khuẩn coliform, là một nhóm bao gồm E. coli. Phần còn lại có chứa 36.7% enterococcus spp, nguyên nhân gây nhiễm khuẩn máu liên quan đến ống thông tĩnh mạch và 14.3% staphylococcus aureus, hay tụ cầu vàng là một loài tụ cầu khuẩn gram kỵ khí tùy nghi, và là nguyên nhân thông thường nhất gây ra nhiễm khuẩn trong các loài tụ cầu.

TS Nguyễn Văn Khải, người chuyên nghiên cứu về nước khử trùng anolyte cho biết, khăn lau bếp, lau tay ở bếp chính là nơi trú ngụ của rất nhiều vi khuẩn khác nhau mà ít gia đình để tâm. Có người thái thịt sống xong, rửa qua loa cái thớt một lúc lại thái thịt chín ngay. Tay thì lau vào khăn mọi lúc trong quá trình nấu ăn.

Ẩm ướt, nhiều loại vi khuẩn từ rau, thịt, cá, tôm… bám vào, chiếc khăn lau bếp chính là “sát thủ” gây ra tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, loạn khuẩn ở trẻ… mà ít ai ngờ tới.

Đáng tiếc là chúng ta vẫn coi nhẹ việc vệ sinh sạch sẽ chiếc khăn lau bếp, thậm chí là khăn lau bàn uống nước để cả tháng không giặt, vì nghĩ nó là “giẻ lau”.

“Khăn lau bếp, lau tay, lau bàn uống nước, thậm chí là thảm chùi chân… đều là những vật dụng được mặc định là phải “bẩn”. Vì chúng là giẻ lau. Do đó chúng ta không quan tâm đến việc vệ sinh làm sạch các vật dụng này. Nhiều khi, tay bẩn hơn khi lau vào khăn, bàn bẩn hơn khi dùng khăn lau cho sạch. Một nghịch lý ít ai để tâm, nhưng lại vô cùng nguy hại”, TS Nguyễn Văn Khải cho biết.

Ngày nào cũng phải giặt, phơi

Để các loại khăn lau không phải là nơi trú ngụ của vi khuẩn lây lan bệnh tật, việc vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên là rất cần thiết. Theo TS Nguyễn Văn Khải, khăn lau phải được giặt, phơi hàng ngày dưới ánh nắng Mặt trời. Nếu không có điều kiện giặt sạch thì nên dùng khăn giấy, dùng xong có thể bỏ ngay đi.

Hoặc có một cách để khử trùng khăn lau bằng vải là ngâm chúng vào nước khử trung anolyte sau khi dùng, vi khuẩn, vi trùng sẽ bị tiêu diệt. Hoặc cũng có thể sử dụng nước muối pha loãng, hoặc giặt khăn dưới vòi nước nóng. Thay khăn lau thường xuyên, không để chúng cáu cặn, đen sì rồi vẫn cứ sử dụng.

“Nhiều người có thói quen giặt khăn lau qua loa, rồi phơi ngay ở chậu rửa bát. Do đó khăn lúc nào cũng ẩm, bẩn, vi khuẩn trú ngụ dẫn đến lây nhiễm chéo vào thức ăn là tất yếu. Hay như khăn lau bàn ăn, bàn uống nước để lưu cữu vài tháng vì nghĩ rằng chỉ lau nước, có gì mà bẩn. Thực ra, bàn uống nước có trà, thuốc, bánh kẹo, hoa quả, sữa… đều là nguồn dinh dưỡng của vi khuẩn. Do đó, việc giữ vệ sinh khăn lau là rất cần thiết”, TS Nguyễn Văn Khải cho biết.

Cũng theo TS Nguyễn Văn Khải thì cách giặt thông thường là giặt nhanh trong chậu nước hoặc giặt dưới vòi nước chảy với quan niệm sẽ giúp khăn sạch và không nhiễm khuẩn chéo hơn. Tuy nhiên, cách này chỉ hiệu quả với khăn lau bát đĩa. Và cần phải thực hiện giặt, phơi khăn ngay khi thấy khăn ẩm.

Còn với khăn lau bếp, lau tay thì vẫn cần được giặt hằng ngày nhưng cần được ngâm qua đêm trong chất tẩy và giặt sạch với nước nóng. Hoặc có thể ngâm khăn với xà phòng và 1 chút giấm trắng. Hoặc cầu kỳ hơn là đun khăn lên, giặt sạch và phơi khô ngoài trời.

“Tuyệt đối không lau tay vào những chiếc khăn bẩn rồi lại trực tiếp chế biến món ăn, hay cầm nắm đồ ăn vì khả năng lây nhiễm chéo xảy ra rất cao”, TS Nguyễn Văn Khải.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top