Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi):​​​​​​​ Chọn sao cho "cân"?

(khoahocdoisong.vn) - Góp ý Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, nhiều chuyên gia kinh tế đứng về phía doanh nghiệp "chê" dự thảo là... lạc hậu. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Luật Lao động sửa đổi cần tiến bộ, hài hòa giữa quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp, chứ không chỉ “chăm chăm” vì sự phát triển doanh nghiệp.

Năng suất thấp, chi làm thêm giờ cao

Giữ nguyên giờ làm 48 tiếng một tuần, tăng giờ làm thêm và không luỹ tiến lương giờ làm thêm... là những kiến nghị mà các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục bày tỏ mong muốn tại Hội thảo "Dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi những tác động bất lợi và kiến nghị" do CIEM tổ chức sáng 18/9.

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, tổng số giờ được làm thêm tối đa trong một năm của Việt Nam đang bị hạn chế (200 giờ), thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khối ASEAN (Thái Lan: 1836 giờ, Malaysia: 1248 giờ, Philippines: 1224 giờ, Indonesia: 714 giờ) hay Trung Quốc (432 giờ), Bangladesh (408 giờ), Ấn Độ (300 giờ).

Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đã phải bố trí làm thêm hết thời gian được phép là 200 giờ/năm hoặc 300 giờ/năm theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành. Thậm chí, có doanh nghiệp đã phải chấp nhận vi phạm quy định về giờ làm thêm để có thể giao hàng đúng hạn, tránh bị phạt hợp đồng. Nếu giảm giờ làm, các doanh nghiệp phải tăng chi phí về tiền lương làm thêm giờ.

Hiệp hội này cũng cho rằng, tiền lương làm thêm giờ ở Việt Nam hiện nay đã quá cao so với thời giờ làm việc bình thường (150% vào ngày thường, 200% vào ngày nghỉ hằng tuần, 300% vào ngày nghỉ lễ, tết) và cao hơn so với tiền lương làm thêm giờ của nhiều quốc gia như Nhật Bản (125% vào ngày thường, 135% vào ngày nghỉ hằng tuần), Đài Loan (133,3%), Philippines (125%).

Cùng quan điểm, bà Trần Thị Lan Anh - Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc văn phòng Giới sử dụng lao động cũng cho rằng giảm giờ làm sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Một số hiệp hội cũng cho rằng, dự thảo Bộ Luật Lao động mới có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động dôi dư do năng lực tài chính chưa đáp ứng được yêu cầu của dự thảo mới.

Tuy nhiên, bên lề hội thảo, theo một số chuyên gia, Việt Nam không thể so sánh với các nước khi tiền lương cơ bản (của Việt Nam) thấp hơn nhiều. Tiền lương làm thêm đã lũy tiến của Việt Nam có gấp nhiều lần Nhật Bản, thì tổng thu nhập cũng vẫn thấp hơn nhiều so với người lao động Nhật Bản.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, hiện tượng vi phạm giờ làm thêm ở Việt Nam khá phổ biến. Kết quả thanh tra lao động ngành may mặc năm 2015 cho thấy: 39,5% doanh nghiệp không thực hiện đúng về số giờ làm thêm của người lao động. Báo cáo việc làm tốt hơn (Better Work) còn cho thấy, 82% trong tổng số 257 nhà máy sử dụng lao động làm thêm giờ vượt quá quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng “Giới sử dụng lao động, xã hội đừng trút gánh nặng về năng suất lao động lên vai người lao động. Nếu chấp nhận người lao động làm việc nhiều giờ để đạt năng suất lao động thì đồng nghĩa với việc chấp nhận doanh nghiệp không đầu tư thiết bị công nghệ. Như vậy, Việt Nam mãi rơi vào thế thu hút bằng lao động giá rẻ”

Nhưng làm nhiều "nhất thế giới"?

Kết quả thăm dò ý kiến của người lao động trên fanpage Công đoàn Việt Nam từ 9/9 đến ngày 19/9 cho thấy, trong số 2.400 người tham gia cho ý kiến, thì có hơn 82% người đồng ý giờ làm việc tối đa 44 giờ/tuần, chỉ có 18% người đồng ý giờ làm việc 48 giờ/tuần.

Tại diễn đàn thăm dò ý kiến, nhiều người lao động chia sẻ tình trạng làm việc như máy, quên nghỉ ngơi, không có điều kiện về thăm gia đình, chăm sóc con cái, giao lưu bạn bè, tìm người yêu... Những người có gia đình không có thời gian để lo cho gia đình, cho con. Tiền tăng ca thì không được bao nhiêu. Nếu tăng ca thêm thì tiền gửi trẻ ngoài giờ còn cao hơn tiền tăng ca làm thêm. Nhiều công nhân ngất xỉu ngay tại dây chuyền sản xuất, không ít công nhân bị tai nạn trên đường đi làm về… Vì vậy, phần lớn ý kiến mong muốn, khi áp dụng chế độ làm việc 44 giờ/tuần, mức lương, thưởng của người lao động vẫn phải được giữ nguyên để đảm bảo quyền lợi.

Vắt sức ở công ty, công nhân về xóm trọ trong trạng thái mệt mỏi.

Vắt sức ở công ty, công nhân về xóm trọ trong trạng thái mệt mỏi.

Do đó, Tổng LĐLĐ tiếp tục đề nghị xem xét để giảm thời giờ làm việc bình thường từ “không quá 48 giờ trong một tuần” xuống “không quá 44 giờ trong một tuần”. Về thời giờ làm thêm, Tổng LĐLĐ đồng ý tăng giờ làm thêm nhưng tiền lương phải tính lũy tiến.

Dẫn số số liệu khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đối với 154 nước và vùng lãnh thổ, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động cho biết: Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên), cùng với khoảng 40 nước khác. Về thời gian nghỉ phép, Việt Nam nằm trong nhóm nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (12 ngày), ngang bằng với 8 nước; nhiều hơn 31 nước; và ít hơn 110 nước.

“Đã có bằng chứng cho thấy, người lao động phải chịu áp lực để tăng cường độ lao động, kéo dài thời gian làm việc hoàn thành định mức lao động nhưng không được tính lương làm thêm ngoài giờ. Không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động thì nguồn nhân lực sẽ bị cạn kiệt, chắc gì đã làm việc được đến tuổi nghỉ hưu, và khi đó gánh nặng xã hội sẽ rất lớn” – ông Quảng nhấn mạnh.

Trước đó, làm việc với VCCI và đại diện các hiệp hội về dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, với tư cách cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật lao động sửa đổi đã nhấn mạnh: Chính phủ đang muốn kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ giải quyết vấn đề làm thêm giờ chỉ trong một số ngành nghề, lĩnh vực rất đặc biệt và phải điều chỉnh tiền lương theo lũy tiến. Vấn đề này sẽ do Quốc hội quyết định nhưng quan điểm của ủy ban thẩm tra là không đồng tình với việc tăng thời gian làm thêm. Bên cạnh đó cũng không thể giảm thời giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần. Về tuổi nghỉ hưu, công chức viên chức chắc chắn phải tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top