Hỏi: Vệ tinh được đặt ở không gian rất xa so với mặt đất, làm thế nào bằng ảnh chụp của vệ tinh mà người ta biết vùng biển nào có cá, vùng biển nào không?
Lê Thị Nguyên (Hà Nội)
ThS Vũ Việt Phương, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam: Đúng là bằng mắt thường thì ở khoảng cách rất gần cũng khó mà nhìn thấy con cá, huống hồ là một vệ tinh lơ lửng trong không gian ở vị trí cực kỳ xa so với mặt đất. Việc chụp ảnh được những luồng cá ở vị trí xa như thế là không thể.
Người ta tìm ra các vùng biển có nhiều cá dựa trên các yếu tố sinh học để đưa ra những dự đoán là chính, chứ không khẳng định chắc chắn được. Ví dụ ảnh chụp một vùng biển thể hiện những dải nước màu xanh, nơi có nhiều một loài tảo nào đó, chứng tỏ vùng biển đó sẽ có cá vì tảo là thức ăn chính của nhiều loài cá sống trong đại dương. Đó là những căn cứ quan trọng để xác định chứ ảnh chụp từ vệ tinh thì không thể nhìn thấy được cá dưới đại dương.