Đốt rơm rạ làm chai cứng đất

(khoahocdoisong.vn) - Xử lý rơm rạ tại chỗ, trả dinh dưỡng lại cho đất, không thải vào môi trường khói bụi do đốt rơm rạ… là những giải pháp của cánh đồng không đốt rơm rạ ở Hà Nội.

Theo Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn), chương trình Cánh đồng không đốt rơm rạ năm 2021 tập trung vào 2 hướng giải pháp kỹ thuật chính. Rơm rạ xử lý tại ruộng bằng cách để tự hoai mục hoặc sử dụng thêm chế phẩm vi sinh học. Xử lý rơm rạ bằng cách thu cuốn rơm để làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm khác trồng nấm, cho gia súc làm thức ăn, làm đệm lót sinh học… Người nông dân có thể sử dụng chế phẩm sinh học EMUNIV được trộn với cát, và rải đều khắp ruộng. Sau 13 - 15 ngày ngâm trong nước, rơm và gốc rạ sẽ tự phân hủy thành nguồn phân bón hữu cơ cho đất.

Việc đốt rơm rạ có thể là giải pháp xử lý nhanh chóng, nhưng nếu đốt rơm rạ nhiều lần và lâu dài sẽ làm đất biến chất và trở nên chai cứng, tiêu diệt các loại côn trùng có ích, góp phần làm mất cân bằng  sinh thái tại đồng ruộng. Từ đó, kéo theo nhiều hệ quả như sâu bệnh bùng phát trên đồng ruộng, bà con phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hơn khiến chi phí sản xuất lúa tăng cao và môi trường đất tiếp tục bị ảnh hưởng.

Người dân thường tin rằng đốt rơm rạ có thể tạo ra tro làm phân bón cho đất. Tuy nhiên, khi bị đốt thành tro, các chất hữu cơ trong rơm rạ do nhiệt độ cao đều biến thành các chất vô cơ, làm cho đất bị chai cứng. Đồng thời, khi rơm rạ bị đốt cháy, thành phần C, H, O sẽ biến thành khí CO2, CO và hơi nước; protein bị phân hủy và biến thành các khí NO2, NO3, SO2, và phần tro sót lại chứa chút ít khoáng chất như photpho, kali, canxi và silic… không giúp ích mấy cho đất.

Theo Đời sống
back to top