Khám mắt cho người cao tuổi
Vẩn đục dịch kính nằm lơ lửng trong dịch kính là chất dịch đặc dạng thạch ở phần sau của nhãn cầu. Như vậy chúng sẽ di chuyển nhanh theo động tác liếc mắt và đồng thời di chuyển chậm, ngắn theo chuyển động của dịch kính.
Khi phát hiện có vẩn đục dịch kính, ta thường cố gắng nhìn về phía có vẩn đục để xác định, nhưng thường khó vì vẩn đục sẽ chuyển động theo mắt và thường lệch khỏi hướng nhìn. Ta chỉ có thể nhìn thấy vẩn đục do chúng có thể chuyển động trong mắt. Những mạch máu võng mạc cũng che khuất ánh sáng nhưng không thể nhìn thấy ở điều kiện bình thường do chúng ở vị trí cố định so với võng mạc và vỏ não sẽ tạo ra hình ảnh được điều chỉnh nhờ quá trình thích ứng của hệ thần kinh.
Mặc dù vẩn đục được coi là trôi nổi trong dịch kính, nhưng do trọng lực vẩn đục thường có xu hướng lắng xuống phía dưới của nhãn cầu nên khi mắt nhìn lên hoặc khi nằm ngửa, các vẩn đục có xu hướng rơi gần về phía hoàng điểm, nằm trên trục thị giác nên được nhìn thấy rõ hơn. Mặt khác, khi ta nhìn lên bầu trời sáng, đồng tử co lại sẽ làm cho các vẩn đục rõ nét và dễ nhận ra hơn.
Đối tượng bị vẩn đục dịch kính có thể là trẻ em, nhưng phổ biến là xuất hiện ở người già do quá trình thoái hóa dịch kính. Thoái hóa dịch kính là quá trình lão hóa tự nhiên của con mắt. Thoái hóa thường bắt đầu từ tuổi trung niên nên vẩn đục dịch kính thường xuất hiện trên mắt bình thường sau lứa tuổi này.
Mắt của người cận thị thường bị thoái hóa sớm hơn nên người cận thị thường có vẩn đục dịch kính ở tuổi trẻ hơn. Ngoài ra, những người có bệnh võng mạc như bệnh võng mạc tiểu đường, viêm trong mắt, chấn thương mắt hoặc thậm chí sau phẫu thuật hoặc làm laser điều trị cũng có thể bị vẩn đục dịch kính.
TS Vũ Quốc Lương
(Bệnh viện Mắt T.Ư)