Axit uric trong máu liên quan đến tai biến mạch máu não
Gút còn gọi là thống phong, là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa axit uric. Tuy nhiên, thống phong đồng thời là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Người ta thấy tỷ lệ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim có liên quan tỷ lệ axit uric trong máu.
Bệnh có đặc điểm là viêm khớp (do lắng đọng axit uric), điển hình là viêm một khớp. 70% thường hay gặp ở khớp ngón chân cái. Ngoài ra còn có các đặc điểm khác như có các đợt viêm khớp cấp, cơn đau khớp thường khởi phát đột ngột, đau dữ dội, các khớp thường sưng, nóng, đỏ, đau…
Đau khớp thường kéo dài 1-2 ngày, giảm dần sau 7-10 ngày. Bệnh tái phát nhiều lần. Thường những lần sau, thời gian đau càng kéo dài ra, lâu khỏi hơn, nhiều khớp bị đau hơn…Trong các đợt bệnh cấp, người bệnh thường mệt mỏi, sốt nhẹ, đi lại khó khăn, tính tình cáu gắt thất thường…
Tuổi mắc bệnh thường gặp từ tuổi 35-45 tuổi. 95% thường gặp ở nam giới khỏe mạnh. Người ta thấy một số các yếu tố thuận lợi của bệnh như stress: căng thẳng thần kinh, tức giận, lo lắng quá mức… Có thể gặp sau một chấn thương vào khớp, sau phẫu thuật, uống rượu, nhiễm trùng… hoặc sau một bữa ăn nhiều thịt. Còn có thể gặp do nguyên nhân dùng một số thuốc như vitamin C, Aspirin, thuốc lợi tiểu, thuốc chống lao pirazinamid…
Uống thuốc kết hợp với tập luyện ăn uống
Theo y học cổ truyền, thống phong là do ngoại tà xâm nhập cơ thể gây tắc nghẽn kinh lạc, khí huyết ứ trệ tại khớp gây đau, co duỗi khó khăn. Bắt đầu bệnh còn ở cơ biểu kinh lạc, bệnh lâu, tà khí vào gân cốt gây tổn thương tạng phủ. Chức năng của khí huyết tân dịch rối loạn, tân dịch ứ trệ thành đàm, khí huyết ngưng trệ thành ứ, đàm ứ kết mà hình thành các u cục tô phi quanh khớp, dưới da.
Bệnh tiến triển lâu ngày gây tổn can thận làm biến dạng các khớp và tái phát nhiều lần. Đông y chia thống phong ra làm nhiều thể bệnh khác nhau. Ứng với mỗi thể bệnh có bài thuốc điều trị riêng.
Trên thực tế, theo kinh nghiệm có thể dùng bài thuốc “Độc hoạt tang ký sinh” chữa bệnh gút mang lại hiệu quả điều trị tốt. Bài thuốc gồm: Phùng phong 15g, tần cửu 10g, đương quy 15g, xuyên khung 10g, địa hoành 15g, bạch thược 10g, đỗ trạng 10g, ngưu tất 10g, tế tân 3g, nhục quế 7g, phục linh 15g, độc hoạt 12g, tang ký sinh 15g, nhân sâm 12g, cam thảo 6g. Sắc kỹ với nước, chia uống 3 lần trong ngày.
Đặc biệt, bệnh có thể điều trị tốt bằng ăn uống luyện tập. Theo đó, nên ăn vừa phải chất đạm, chỉ cần đủ cung cấp cho nhu cầu cơ thể. Nhu cầu người lớn chỉ cần 1g đạm/kg trọng lượng cơ thể/ ngày. Không nên ăn nhiều thịt, số lượng đạm ăn vào không nên ăn quá nhu cầu của cơ thể.
Để giảm axit uric máu, nên hạn chế ăn tim gan, thận động vật, trứng cá, cá trích, cá đối, đậu nành, súp lơ, rau cần, đậu phụ, lạc… vì đây là những thực phẩm có nhiều chất purin có thể làm tăng axit uric máu. Không uống rượu, hạn chế uống bia. Nên tăng ăn rau xanh, hoa quả tươi. Nên uống nhiều nước, đặc biệt là các nước khoáng có ga. Bicarbonat có tác dụng kiềm hóa máu và nước tiểu, làm tăng đào thải axit uric.
Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn mạn tính, nên có chế độ luyện tập thích hợp kết hợp với vật lý trị liệu phục hồi chức năng để tránh teo cơ, cứng khớp, biến dạng khớp.
LY Vũ Quốc Trung (Hội Đông Y Việt Nam)