Bàn chân biến dạng do gout.
Trước đó, khoảng 22h30' ngày 24/10, bệnh nhân được chuyển đến BV trong tình trạng cơ thể suy kiệt, nằm liệt giường và đau đớn. Ngoài ra, các khớp gối của bệnh nhân bị biến dạng nặng sần sùi.
Qua khai thác tiền sử được biết, bệnh nhân sử dụng rượu bia trên 25 năm, chẩn đoán gout gần 20 năm. Đợt này vào viện với chẩn đoán: suy thận - vô niệu/ gout mạn - biến dạng khớp nặng, nhiễm trùng hạt tophi - thiếu máu nặng. Sức khoẻ suy kiệt nhăn nhó vì đau.
Đây là ca bệnh rất điển hình, tại các hội nghị, các tài liệu sách vở rất rất hiếm có hình ảnh đặc trưng của gout mạn giai đoạn có biến chứng như thế này.
Theo bác sĩ Lưu Xuân Hào - Bệnh viện Đại học Y - người tiếp nhận bệnh nhân trên, bệnh gout là một bệnh khớp vi tinh thể, do rối loạn chuyển hóa các nhân Purin, đặc trưng của bệnh là tăng acid uric trong máu, lắng đọng tinh thể monosodium urat ở các mô.
Viêm khớp do gout (sưng - nóng - đỏ - đau tại khớp viêm, có thể viêm ở 1 khớp hoặc nhiều khớp. Thường ở các khớp gót chân, mắt cá chân, gối, cổ tay, khuỷu tay, ngón tay... ít gặp ở khớp lớn. Toàn thân sốt 38 - 38,5 độ C) mọc các hạt tophi, bệnh thận ( do gout và sỏi tiết niệu).... Tác hại của rượu bia đối với bệnh gout là về lâu dài.
Nguyên nhân gây bệnh là do tăng acid uric máu. Có hai loại gout, đó là gout nguyên phát có thể do di truyền, do thức ăn như ăn quá nhiều đạm, uống quá nhiều bia rượu. Trong bia chứa nhiều purin, rượu làm đẩy nhanh chu chuyển adenosine triphosphate (ATP) dẫn đến tăng sản sinh ra acid uric.
Loại thứ hai là gout thứ phát, do suy thận dẫn đến giảm thải acid uric, sử dụng thuốc lợi tiểu. Ngoài ra các bệnh về máu, vảy nến, suy cận giáp, suy giáp, nhiễm khuẩn... cũng là một trong các nguyên nhân gây bệnh gout.