Gout đã được coi là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purine ở người, làm tăng tổng hợp acid uric trong máu, có một số biểu hiện như viêm khớp ở ngón chân, xuất hiện các u cục ở khớp, quanh khớp, ở vành tai, có sỏi thận hoặc suy thận mãn.
Theo lương y Nguyễn Minh, Trung tâm y tế Việt – Nga cho biết, trên nhóm người có tăng acid uric máu, việc ăn nhiều thức ăn giàu purin sẽ làm tăng thêm tình trạng tăng acid uric máu sẵn có, thúc đẩy họ trở thành bệnh nhân gout, làm nhanh tái phát các cơn Gout, khó kiểm soát bệnh và sớm trở thành Gout mạn. Vì purin bị biến đổi thành uric nên tránh những thực phẩm có chứa nhiều purin như: tôm cua, óc, gan, thận động vật, nước luộc thịt, trứng gà… Không ăn mỡ động vật, không ăn đường. Rau quả tốt cho bệnh nhân gout: ngũ cốc, hạt, rau quả tươi, xanh.
BS Kim Lan, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng khuyến cáo: Người bệnh nên kiêng các loại thực phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh như: măng tre, măng tây, nấm, giá vì sẽ làm tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể. Hạn chế uống các nước có tính chua như nước cam, nước chanh vì làm toan hoá nước tiểu làm tăng nguy cơ kết tinh urate ở ống thận làm tăng nguy cơ sỏi thận.
Mặt khác, thức ăn chua có thể có các tác dụng khác như: Ăn chua quá có thể hại răng vì độ pH giảm xuống trong nước bọt, tiếp xúc với men răng, dễ đưa tới sâu răng.Người bệnh có tiền sử đau dạ dày mà ăn nhiều thức ăn chua, đặc biệt là khi đói có thể kích thích dạ dày tiết ra nhiều dịch vị không tốt cho tổn thương của dạ dày.
Các bệnh nhân béo phì, cao huyết áp, bệnh mạch vành… rất dễ bị gout và ngược lại, bệnh nhân gout thường mắc bệnh các bệnh béo phì, xơ mỡ động mạch, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh mạch vành, vì vậy một chế độ ăn uống điđộ, điều độ, tập luyện sẽ hạn chế những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và tăng tuổi thọ.
Phạm Hằng (ghi)