Độc đáo tranh thư pháp điều tâm, trị bệnh

Không chỉ giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa, họa sĩ thư pháp Tăng Quyền còn mong muốn phát triển nghệ thuật tranh thư pháp tới mọi người để tự điều chỉnh tâm khí, vượt qua căng thẳng, giúp cơ thể tự trị liệu và khỏe mạnh.

Họa sĩ thư pháp Tăng Quyền, hội viên Liên hiệp UNESCO Việt Nam, được biết đến không chỉ là thầy đồ trẻ cho chữ ở Văn Miếu, mà còn là người bảo tồn các chất liệu vẽ tranh dân gian và phát triển thành tranh thư pháp trị liệu.

Họa sĩ thư pháp Tăng Quyền.

Họa sĩ thư pháp Tăng Quyền.

Phát triển nghệ thuật viết chữ lên tầm cao mới

Với họa sĩ Tăng Quyền, thư pháp Việt là đỉnh cao của nghệ thuật viết chữ đẹp, mang đậm chất văn hóa dân tộc, có tính nhân văn, giáo dục cao. Ông muốn gìn giữ và phát huy nét đẹp này, đồng thời lan tỏa đến mọi người.

Tăng Quyền xuất thân từ họa sĩ nghèo vùng quê miền núi Sơn Động (Bắc Giang), con đường đến với thư pháp cũng đầy chông gai. Để tạo ra những nét chữ uyển chuyển, mềm mại chứa đựng trong đó ước vọng thành công, ông trải qua nhiều vất vả, khổ luyện.

Gần 20 năm theo đuổi nghề, ông thất bại không ít lần vì chưa sáng tạo ra những con chữ ưng ý. Có lúc, ông muốn từ bỏ, nhưng nghĩ lại những giá trị mình cần phải lan tỏa đến mọi người nên quyết định đi tiếp.

Với sự đam mê, yêu nghề và luôn học hỏi, họa sĩ Tăng Quyền đã tìm ra những cách thể hiện mới, các chất liệu phù hợp để đưa chữ thư pháp ứng dụng vào trang trí không gian hiện đại.

Không chỉ đưa chữ thư pháp lên chất liệu giấy dó, sơn mài, kết hợp chữ thư pháp cùng tranh…, Tăng Quyền còn ấp ủ mơ ước đưa thư pháp trở thành phương pháp điều tâm tính, cân bằng nội tâm.

Nhiều người được chữa lành bằng phương pháp này, họ đã điều chỉnh được nội tâm, thấy an vui, cuộc sống ý nghĩa hơn, đặc biệt là rèn được đức tính chỉn chu trong cuộc sống, công việc.

Để đạt được mục đích chữa bệnh, họa sĩ Tăng Quyền nghiên cứu chuyển hóa thành năng lượng để người chơi tranh, ngắm tranh thư pháp có nguồn năng lượng, giúp nâng cao sức khỏe và trị liệu. Đến nay, họa sĩ Tăng Quyền có những lớp học trải nghiệm, hướng dẫn cho bạn trẻ và cả người lớn tuổi đam mê nghệ thuật này.

“Chữ thư pháp, khi đạt được đỉnh cao, thì trong chữ có tranh, trong tranh có chữ, nhìn chữ có tranh, nhìn tranh có chữ. Chữ thư pháp phải đảm bảo nét thanh - nét đậm; nét âm - nét dương, nét cứng - nét mềm, nhịp điệu trong chữ và bố cục tạo hình trong tổng thể bức tranh.

Hơn nữa, cao hơn một tác phẩm tranh thư pháp là họa sĩ đưa “phép” vào bức tranh. Tức là, người vẽ thiền định nhận được năng lượng rồi định tâm, định hình đưa năng lượng vào tác phẩm, đưa cái tâm, cái ý dẫn khí, năng lượng đó vào tác phẩm, nhờ đó có tác dụng trị liệu. Các nghiên cứu cho thấy, những tác phẩm này có nguồn năng lượng cao hơn hẳn so với bức tranh chữ thư pháp thông thường”, họa sĩ Quyền nhấn mạnh.

Họa sĩ thư pháp Tăng Quyền mong muốn phát triển nghệ thuật tranh thư pháp tới mọi người.

Thư pháp chú trọng điều tâm, điều tức và điều hình

Từ xa xưa, chữ thư pháp được ứng dụng vào trị liệu trong Đông y (ám thị trị liệu). Thầy thuốc Đông y bắt bệnh, người bệnh thuộc tạng nào thì kết hợp trị liệu và đưa ra một câu từ phù hợp căn bệnh đó để người bệnh hàng ngày được đọc và thấu hiểu.

Ví dụ, người thân gặp sự cố cảm thấy bất an thì tặng cho họ chữ: “An vui tự tại đời thong dong” để họ hiểu sâu, thấu được nội dung và ứng vào cuộc sống của mình, thoát khỏi nỗi bất an.

Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong thư pháp truyền thống, chữ lệ thư (loại chữ giản lược) chắc khoẻ khiến con người tâm tính trở nên hiền hoà, rất thích hợp cho những người bị cao huyết áp, suy nhược thần kinh...

Chữ khải thư (kiểu chữ chuẩn mực) chân phương và thanh tú, rất thích hợp người hay xốc nổi, tâm trạng dễ xao động, rối bời.

Lối chữ thảo lại khiến chúng ta hăng hái, tinh thần phấn chấn, nét bút thanh thoát, thoải mái, kết hợp nhuần nhuyễn giữa hư và thực. Nét sổ như sao băng quét sạch tàn vân, nét chấm như đá lở, nét phẩy như sừng con tê, nét mác tựa mũi tên bật khỏi dây cung, biến hoá khôn lường, lại có thể khêu gợi những linh cảm, hết sức thích hợp với những người tình cảm bị ức chế, uất ức và ốm yếu lâu ngày...

Đối với họa sĩ, trước khi viết, tư thế cần chính xác như thể người luyện khí công điều thân. Khi ngồi, đầu ngay ngắn, hai vai cân đối, ngực ưỡn lưng thẳng, hai bàn chân đặt vững chãi trên mặt đất. Có vậy, hoạ sĩ mới dốc được tinh lực toàn thân, ánh mắt luôn chuyển động giữa cây bút và nét chữ, hơi thở đều, bàn tay, cổ tay, khuỷu tay và cánh tay được vận dụng linh hoạt, khiến cho khí huyết toàn thân được khơi thông một cách tự nhiên. Công năng các bộ phận trong cơ thể được điều hoà cân đối mà không bị khô cứng, chức năng vỏ não và hệ thần kinh thực vật được cải thiện, lưu lượng tuần hoàn máu được gia tăng khiến quá trình thay cũ đổi mới trong cơ thể diễn ra thuận lợi...

Họa sĩ Quyền phân tích, người cầm bút viết thư pháp, cũng như họa sĩ, thường gửi gắm tâm hồn mình vào núi cao sông dài, hoa thơm cỏ lạ, chim bay thú chạy…, muôn vật trong trời đất không thứ gì không lọt vào tâm can. Có thể nói, linh khí của đất trời, sông núi, hồn sống của muôn loài sẽ dung dưỡng cho thể xác và tâm hồn, nhờ đó giúp cho cơ thể luôn khỏe mạnh và trường thọ.

Hơn nữa, vẽ tranh thư pháp lại càng thêm lạc thú, giữa sinh khí ngày xuân phơi phới, vạn vật sinh sôi, muôn hoa đua nở, đi dạo thong thả ngắm trời ngắm đất, ngắm cảnh ngắm người rồi trở về nhà, ngồi tĩnh lặng trong thư phòng, hồi tưởng lại những gì đã thấy, lựa chọn thứ tâm đắc nhất, cấu tứ mà hình thành bức tranh sao cho có thần, có ý…

Trong lúc tâm hồn trào dâng, hoạ sĩ vung bút quết màu viết một mạch thành chữ. Cũng giống trong tập luyện khí công, thư họa, thư pháp cũng chú trọng điều tâm, điều tức và điều hình. Chính vì vậy, các nhà đại thư pháp từ xưa đến nay bao giờ cũng rất cao thọ.

Điều tâm tức là trước khi thư họa phải tiến hành cấu tứ nghệ thuật. Trong cấu tứ, phải tĩnh tâm, vứt bỏ những ý nghĩ vơ vẩn, chỉ tâm niệm vào một điều khiến cho tâm tưởng trở về với tự nhiên.

Điều tức nghĩa là phải điều hoà nhịp thở, hô hấp đều đặn, bình ổn từ đó mới có thể viết và vẽ được. Điều hình nghĩa là phải chú trọng tư thế khi viết chữ. Thư pháp trong tĩnh có động, động quy về tĩnh, tĩnh quy về động, quả thật rất có ích đối với tâm hồn và thể xác con người.

Dương Hùng, triết gia đời Hán (Trung Quốc) đã nói: “Thư pháp là vì con tim mà đưa bút”. Có nghĩa là, mỗi tác phẩm thư pháp là một sự thể nghiệm về ý thức và sức mạnh nội tâm của con người. Rèn luyện bằng thư pháp là phương thức có khả năng khơi dậy những tình cảm trong sáng và lành mạnh, loại bỏ suy nghĩ vẩn vơ và nhỏ nhen, khiến cho tâm hồn cởi mở và khai thái.

Thư pháp vừa bồi dưỡng và nâng cao năng lực thẩm mỹ, vừa được tạo điều kiện hưởng thụ về nghệ thuật, từ đó tạo nên hiệu quả cao trong rèn luyện tâm tính, tu thân dưỡng tính.

Trong sách “Tâm thuật thiên”, học giả Hà Kiều Phan nói: “Thư giả, trữ dã, tán dã. Trữ hung trung khí, tán tâm trung uất dã”, có nghĩa là, thư pháp có thể khai thông khí uất, khiến cho tình cảm dạt dào. Kiên trì tập trung tâm trí viết thư pháp, chẳng những trong lòng cảm thấy khoan khoái mà còn có ích cho việc bình ổn tình cảm và điều hoà khí huyết.

Có được điều đó là vì trước khi bắt tay vào viết thư pháp, bao giờ cũng phải tìm hiểu học tập, quan sát rất kỹ chữ mẫu để tìm ra những nét đặc trưng chủ yếu của con chữ. Điều này chẳng khác nào việc điều tâm trong khi luyện tập khí công nhờ đó mà tâm khí được cân bằng.

Theo Đời sống
back to top