Nhịp tim chậm có nguy hiểm?

Nhịp tim chậm không có triệu chứng cảnh báo, chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe. Những trường hợp nhịp tim quá chậm, xuất hiện đột ngột có thể gây thiếu máu lên não, dẫn đến lú lẫn, gần ngất hoặc ngất, ngưng tim...

Nhịp tim chậm là gì?

Nhịp tim ở người bình thường là nhịp xoang đều, tần số tim phụ thuộc vào tuổi, mức độ hoạt động thể lực. Nhịp tim của trẻ nhỏ nhanh hơn người lớn. Khi hoạt động hoặc gắng sức, nhịp tim nhanh hơn lúc ngủ hoặc nghỉ ngơi.

Ở người trưởng thành, nhịp tim trung bình từ 60-100 lần/phút. Khi tim đập chậm dưới 60 lần/phút có thể là nhịp tim chậm. Nhịp tim chậm có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhưng phổ biến hơn ở người già. Trẻ em và trẻ sơ sinh ít gặp tình trạng này vì tuổi càng nhỏ, nhịp tim bình thường càng cao hơn, từ 120-160 lần/phút.

Tùy theo từng lứa tuổi sẽ có phạm vi tần số tim bình thường, nhanh, chậm, khác nhau. Ví dụ trẻ 0-3 tuổi khi thức, tần số tim dưới 100 lần/phút…

Tuy nhiên, nhịp tim chậm có thể là dấu hiệu bất thường ở hệ thống điện của tim, cần được thăm khám và điều trị sớm.

Nhịp tim chậm trên máy theo dõi - Ảnh minh họa

Nhịp tim chậm trên máy theo dõi - Ảnh minh họa

Nhịp chậm sinh lý và bệnh lý

Phạm vi nhịp tim của người trưởng thành khỏe mạnh từ 60-100 nhịp mỗi phút. Nhưng khi bị bệnh tim đập chậm, nghĩa là nhịp tim dưới 60 lần/phút và có các triệu chứng bất thường đi kèm. Ở những người khỏe mạnh, hoạt động thể lực thường xuyên, nhịp tim chậm thường lành tính nhưng nếu tình trạng này kéo dài cùng với các triệu chứng khác, bạn nên gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị phù hợp.

Trong một số trường hợp như người trẻ khỏe mạnh, vận động viên… tình trạng này không đáng ngại. Tim đập chậm cũng có thể xuất hiện trong khi ngủ say hoặc ở người cao tuổi.

Nhịp tim chậm sinh lý có thể gặp ở một số người vận động thể lực nhiều như vận động viên chuyên nghiệp, không ảnh hưởng tới sinh hoạt.

Nhịp tim chậm bệnh lý có thể do bệnh tim mạch như bệnh bẩm sinh di truyền, chức năng nút xoang, bệnh tim thiếu máu cục bộ, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, viêm cơ tim. Đôi khi, tình trạng này không do bệnh tim mạch như suy tuyến giáp trạng, suy thận nặng, tăng kali máu... Cũng có khi nhịp tim chậm do sử dụng một vài loại thuốc.

Trong hầu hết trường hợp, nhịp tim chậm không có triệu chứng cảnh báo, chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe. Một số người có dấu hiệu như hụt hơi, cảm giác đau thắt ở ngực, choáng váng, mệt mỏi, khó tập trung, dễ mệt khi vận động nặng.

Tuy nhiên, những trường hợp nhịp tim quá chậm, xuất hiện đột ngột có thể gây thiếu máu lên não, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như lú lẫn, gần ngất hoặc ngất, ngưng tim. Người bệnh cần nhập viện ngay để tìm nguyên nhân.

Biến chứng khi tim đập chậm kéo dài

Tình trạng tim đập chậm bệnh lý kéo dài không được chẩn đoán và điều trị có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Ngất xỉu: Nhịp tim chậm có thể dẫn đến tình trạng ngất xỉu tạm thời. Thông thường, người bệnh sẽ nhanh chóng tỉnh lại. Tuy nhiên, nếu tim đập chậm kéo dài khiến bạn thường xuyên ngất xỉu thì nên thăm khám và điều trị sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Huyết áp thấp/cao: Việc tim đập chậm hơn so với bình thường khiến các cơ quan trong cơ thể không nhận đủ máu. Khi đó, tim càng phải co bóp mạnh hơn để đưa máu đến các mô và cơ quan. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến huyết áp.

Suy tim: Tình trạng tim đập chậm diễn ra trong thời gian dài, không có sự can thiệp điều trị sẽ làm giảm khả năng co bóp và tống máu của tim. Dần dần, tim bị suy yếu gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống của người bệnh, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Ngừng tim: Nhịp tim chậm được xem là một trong các nguyên nhân gây ngừng tim. Trường hợp tim đập quá chậm trong thời gian dài sẽ khiến hoạt động co bóp của tim chậm lại hoặc ngừng hoàn toàn. Khi đó, bệnh nhân sẽ đột ngột ngã quỵ, bất tỉnh, tim ngừng đập. Nếu không được hô hấp nhân tạo hoặc ép tim ngoài lồng ngực ngay lập tức sẽ nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí tử vong.

Cách điều trị

Tùy theo độ tuổi, nguyên nhân gây nhịp tim chậm, bệnh nền kèm theo..., bác sĩ sẽ cân nhắc hướng điều trị phù hợp. Phương pháp bao gồm dùng thuốc hoặc các thủ thuật điều trị bệnh nền.

Điều trị thuốc: Bác sĩ cần căn cứ vào nguyên nhân gây nhịp tim chậm để chỉ định điều trị bằng thuốc phù hợp. Đối với bệnh nhân bị tim đập chậm, các loại thuốc thường được chỉ định như: Atropine, dopamin, epinephrine, glycopyrrolate. Những loại thuốc này sẽ được sử dụng tại bệnh viện, dưới sự theo dõi, giám sát của nhân viên y tế. Khi xác định được nguyên nhân cụ thể gây rối loạn nhịp chậm, bệnh nhân sẽ được chỉ định thuốc điều trị phù hợp.

Cấy máy tạo nhịp tim: Nếu điều trị bằng thuốc không đem lại hiệu quả như mong muốn, bác sĩ có thể chỉ định cấy máy tạo nhịp tim. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả với những bệnh nhân bị hội chứng suy nút xoang, block nhĩ thất hoàn toàn… Đây là giải pháp lâu dài giúp điều trị hiệu quả tình trạng tim đập chậm bệnh lý.

Phòng ngừa nguy cơ tim đập chậm

Để phòng ngừa nguy cơ tim đập chậm cũng như các bất thường ở tim, bạn có thể thực hiện một số biện pháp bao gồm:

- Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe tim mạch như: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc, cá…; hạn chế những thực phẩm nhiều dầu mỡ, đóng hộp;

- Tập thể dục đều đặn, chọn các môn thể thao vừa sức;

- Giảm cân khoa học nếu thừa cân, béo phì;

- Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường…;

- Kiêng chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá;

- Giảm căng thẳng, áp lực;

- Tuân thủ điều trị các bệnh nền có sẵn;

- Thăm khám định kỳ.

Bác Sĩ Đinh Minh Trí (Đại học Y dược TP HCM)

Theo Đời sống
back to top