Độc đáo Đình thần Nguyễn Trung Trực

Đình thần Nam Hải được đổi tên thành Đình thần Nguyễn Trung Trực, gắn liền với nhiều câu chuyện về người anh hùng dân tộc…

Từ ngày 10-12/10/2023, tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực được tổ chức cùng với lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lễ hội đặc sắc này.

Lễ hội độc đáo

Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực được biết đến như nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ban đầu, lễ hội được người dân tổ chức để bày tỏ lòng thành kính với vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, sau khi lưu truyền qua bao thế hệ thì trở thành sự kiện định kỳ có ý nghĩa lớn.

Theo thông lệ, lễ hội được tổ chức từ ngày 26 - 28/8 âm lịch hàng năm tại Đình thờ Nguyễn Trung Trực. Bắt đầu lễ hội là phần lễ. Trong phần này, ban quản lý của đình thực hiện lễ thượng cờ, thỉnh sắc an thần, an vị niệm hương, thỉnh an vị thần, tế quan Phó... cùng nhiều lễ nghi khác. Sau đó, người dân bản địa có thể vào đình dâng hương lên cụ Nguyễn bày tỏ lòng thành, đồng thời cầu xin bậc tiền nhân phù hộ may mắn, tốt lành đến với gia đạo.

Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực thu hút đông đảo khách thập phương về dự - Ảnh: Báo Kiên Giang.

Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực thu hút đông đảo khách thập phương về dự - Ảnh: Báo Kiên Giang.

Sau phần lễ là phần hội. Đến phần này, đình mở rộng cửa để các tầng lớp quần chúng nhân dân tham gia. Trong sân đình diễn ra nhiều hoạt động văn hóa như múa lân, ca hát... Các hoạt động hưởng ứng lễ hội cũng diễn ra ở nhiều địa điểm công cộng của TP Rạch Giá.

Năm 2023, điểm nhấn của Lễ hội là chương trình “Đêm hội áo dài Việt Nam 2023” lần đầu tiên diễn ra tại tỉnh Kiên Giang. Ngoài ra, còn nhiều hoạt động hấp dẫn khác như sân khấu không gian đờn ca tài tử Nam bộ, giải võ thuật Vovinam cấp tỉnh, liên hoan sân khấu thanh niên, triển lãm ảnh nghệ thuật... chứng tỏ quy mô và sức hút của Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực.

Nguyễn Trung Trực – tấm gương kháng Pháp trung liệt

Ngược dòng lịch sử, Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1838, tại Bình Nhật, huyện Cửa An, phủ Tân An (nay thuộc xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) trong một gia đình làm nghề chài lưới. Sinh thời, ông là người tinh thông võ nghệ, am hiểu sách thánh hiền, tính tình cương trực, giàu lòng yêu nước.

Tượng anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Đình thần Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá.

Tượng anh hùng Nguyễn Trung Trực tại Đình thần Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông được tuyển chọn vào đội nông binh dưới quyền chỉ huy của lãnh binh Trương Định. Năm 1861, thực dân Pháp tấn công thành Gia Định lần thứ 2, ông tham gia bảo vệ Kỳ Hòa (Gia Định) dưới trướng Thống đốc quân Vụ đại thần Nguyễn Tri Phương. Thành Gia Định thất thủ lần thứ 2 (tháng 2/1861), ông tập hợp những người yêu nước hoạt động chống Pháp vùng Tây Nam Bộ, gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất nặng nề. Tiêu biểu là chiến công đốt cháy và nhấn chìm tiểu pháo hạm Hy vọng (L’Espérance) tại vàm Nhựt Tảo, huyện Bến Lức. Sau trận đánh này, ông được triều đình Huế phong làm Thành thủ úy Hà Tiên.

Chưa kịp về Hà Tiên nhậm chức thì nơi này đã bị đánh chiếm, Nguyễn Trung Trực lui về Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) tổ chức lực lượng tiến công tiêu diệt toàn bộ lính Pháp trú tại đồn Kiên Giang, làm chủ tỉnh lỵ trong 10 ngày.

Quân Pháp dồn toàn lực nhằm tiêu diệt bằng được nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, hòng dập tắt tinh thần kháng chiến của nghĩa quân An Nam. Cuối cùng quân Pháp bắt được ông, đem về Sài Gòn thẩm vấn, dùng chức tước, tiền tài khuyến dụ nhưng tất cả đều thất bại.

Ngày 27/10/1868, quân Pháp đem Nguyễn Trung Trực về xử chém tại Rạch Giá, khi đó ông mới 30 tuổi. Người dân Rạch Giá đổ về khu vực pháp trường để chứng kiến và đưa tiễn ông.

Sau khi Nguyễn Trung Trực bị xử chém tại Rạch Giá, để tưởng nhớ công lao của người anh hùng xả thân vì nước, người dân đã bí mật thờ cúng ông tại Đình thần Nam Hải, tại xóm chài trên bờ kênh ông Hiển (nay thuộc phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá). Đến năm 1891, Đình thần Nam Hải di dời về địa điểm hiện tại thuộc phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá. Sau khi quân Pháp bị đánh đuổi khỏi Rạch Giá, ngôi đình được người dân gọi là Đình thần Nguyễn Trung Trực.

Theo ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang, Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực là lễ hội văn hóa truyền thống lớn nhất của tỉnh Kiên Giang, hàng năm thu hút trên 1 triệu lượt du khách.

Lễ hội góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, đề cao vai trò chủ thể của nhân dân trong các hoạt động của Lễ hội, tuyên truyền về chủ quyền quốc gia, bảo vệ biên giới và biển đảo của đất nước.

Với việc đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực, Lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhân dân mà còn đưa quy mô ngày càng lớn hơn.

Theo Đời sống
Hàng quán “bao vây” khu tập luyện thể thao

Hàng quán “bao vây” khu tập luyện thể thao

Đã từ lâu, tại khu vực vườn hoa- công viên ven hồ Trúc Bạch, trên phố Trấn Vũ (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) xuất hiện khá nhiều những bộ bàn ghế của các quán hàng kinh doanh cà phê, nước giải khát.
Nỗi lo rạp cưới lấn chiếm lòng đường

Nỗi lo rạp cưới lấn chiếm lòng đường

Đã từ lâu, báo chí và các phương tiện truyền thông thường đưa tin, hình ảnh phản ánh tình trạng nhiều hộ gia đình tổ chức đám cưới ở…ngoài đường. Họ dựng rạp dài, rộng để chiếm lòng lề đường, gây cản trở, làm mất an toàn giao thông.
back to top