Dinh dưỡng phục hồi sức khỏe, tránh teo cơ sau mắc Covid-19

Sau khi khỏi Covid-19, đặc biệt là các bệnh nhân nặng thường chán ăn, mệt mỏi, sụt cân, teo cơ. Vậy phải ăn uống như thế nào để phục hồi sức khỏe, tránh teo cơ và tăng sức đề kháng, không tái nhiễm?

Cẩn thận với thực phẩm tốt cho người này nhưng độc cho người khác

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, sau khi mắc Covid-19, nhiều người bị chứng hậu Covid-19 nên cần đi khám, đánh giá tổng thể các chức năng bị ảnh hưởng, xem mức độ tổn thương như thế nào, đặc biệt là những người có bệnh nền, người trung niên và cao tuổi.

Ví dụ, mức tổn thương phổi, tim, tiêu hóa, gan thận, đường máu, mỡ máu, công thức máu, các vi chất dinh dưỡng; một số chỉ số miễn dịch, tình trạng dinh dưỡng như cơ, xương, mỡ, mức độ suy dinh dưỡng, khi cần có thể đánh giá các vấn đề về thần kinh. Qua thăm khám, các bác sĩ sẽ giúp bạn biện pháp điều trị phù hợp, vì mỗi người có tình trạng sức khỏe bệnh lý khác nhau.

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh nhấn mạnh, ăn uống tốt giúp cung cấp nguyên vật liệu cho cơ thể hồi phục, tăng cường miễn dịch.

Nên nhớ, không có một thức ăn thần thánh nào có đủ dinh dưỡng cho sức khỏe mà phải là chế độ ăn cân đối, hợp lý, khoa học, đủ chất, phù hợp với tình trạng sức khỏe mỗi người. Do vậy, cần tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, chứ không phải làm theo người khác.

hau-co.jpg
Dinh dưỡng phục hồi sức khỏe, tránh teo cơ sau mắc Covid-19.

Có nhiều thực phẩm tốt cho người này, nhưng lại là độc hại với người khác. Ví dụ, sữa cao năng lượng giúp phục hồi nhanh sau ốm, phục hồi suy dinh dưỡng... nhưng nếu bạn đang bị bệnh đái tháo đường, mỡ máu cao, tăng huyết áp, chức năng gan thận có vấn đề, mà dùng loại sữa này thì lại không tốt.

Một chế độ ăn tốt là phải có đủ năng lượng, chất đạm, đường, béo, vitamin và chất khoáng... phù hợp. Về khái quát chế độ ăn phải đa dạng, có đủ 4 nhóm thực phẩm: 1) Ngũ cốc (cơm, mỳ, khoai), cố gắng mỗi bữa 1/2 - 1 miệng bát. 2) Chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm, đậu phụ), khoảng 1 lạng/bữa. 3) Rau quả: rau xanh, mỗi bữa 1/2 đĩa; quả chín 2 - 3 quả/ngày). 4) Dầu mỡ vẫn phải duy trì, lẫn từ thịt mỡ, hoặc dầu từ món xào, trộn salat, 2 thìa/ngày.

Nên ăn thành nhiều bữa nhỏ, 3 bữa chính thì có đủ món, 2 - 3 bữa phụ xen kẽ như sữa nước (1 - 2 cốc/ngày), sữa chua (1 cốc/ngày), hoa quả, khoai ngô...

Chú ý uống đủ nước, 1,5 - 2 lít/ngày, chia nhỏ làm nhiều lần. Hạn chế rượu, bia, thuốc lá. Tránh những gia vị chua cay, nóng với người có rối loạn tiêu hóa.

Về chế biến: Nên ở dạng lỏng, dễ tiêu, ăn nóng, không nên ăn món nguội, để lâu trong tủ lạnh, dễ nhiễm khuẩn... không nên làm các món quay rán, nhiều mỡ động vật, gây đầy bụng khó tiêu.

Nên duy trì bổ sung một số vitamin và chất khoáng, do khẩu phần ăn cung cấp chưa đủ.

Đặc biệt, vận động, thể dục thể thao: Rất quan trọng, phối hợp với dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe. Chú ý giai đoạn này là tập nhẹ nhàng vừa phải, nhằm phục hồi sức khỏe chứ không phải thực hiện giảm cân, giảm mỡ hoặc tăng cơ.

Tập thể dục giúp cơ xương khớp khỏi bị teo, khỏi đau nhức, thư giãn tinh thần, chống stress, để tiêu calo giúp ăn ngon miệng hơn, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Chú ý các bài phục hồi chức năng hô hấp, nên tập thở hít thật sâu, thở ra từ từ, thở bụng.

Bổ sung vi chất tăng miễn dịch để chống tái nhiễm

Để tránh tái nhiễm Covid-19, theo PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội, mỗi cá nhân cần có đủ lượng chất dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch. Các vitamin như D, A, B6 và B12, C và E, cũng như các khoáng chất như kẽm, selen, sắt và đồng, cùng với các axit amin và sự kết hợp phù hợp của các chất dinh dưỡng đa lượng bao gồm carbs, protein và chất béo là điều cần thiết để nâng cao hệ miễn dịch. Trong số đó, vitamin D là quan trọng hơn cả đối với việc thúc đẩy hoạt động của hệ thống miễn dịch.

Trái cây họ cam quýt, ớt đỏ, bông cải xanh, kiwi, dâu tây là những thực phẩm giàu vitamin C. Trái cây củ quả có màu đỏ, màu vàng, da cam như đu đủ, bí ngô, cà rốt, cà chua, khoai lang, gấc, xoài thì chứa nhiều beta caroten.

Chúng ta đảm bảo ăn 5 - 7 phần rau tương đương 4 - 5 lạng rau và trái cây mỗi ngày để đảm bảo cung cấp đủ các vitamin. Nên chú ý ăn thực phẩm chứa nhiều kẽm từ hải sản như thịt bò, thịt lợn, ngũ cốc tăng cường chất kẽm. Thực phẩm cung cấp đủ protein từ thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ nên ưu tiên để tăng cường miễn dịch. Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn.

 Theo PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, mỗi thực phẩm chỉ chứa chất dinh dưỡng này nhưng không chứa chất dinh dưỡng khác. Nếu chúng ta chỉ ăn một loại thực phẩm ngày này qua ngày khác thì dẫn đến sự đơn điệu, sự nhàm chán, khó ăn và không đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.

Do đó, ngoài việc bổ sung vitamin và khoáng chất thì cơ thể cần có protein, chất béo, mỡ động vật, cùng với đó là tinh bột từ gạo, lúa mỳ, yến mạch... tức là cần chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng như các chất sinh đạm, đường béo và các chất không sinh năng lượng như vitamin, chất khoáng...

Theo Đời sống
Hạ canxi máu... dễ gây co giật, suy tim

Hạ canxi máu... dễ gây co giật, suy tim

Một số trường hợp, hạ canxi máu mức độ nhẹ thường không có triệu chứng rõ ràng. Nếu không điều trị, tình trạng hạ canxi máu nghiêm trọng có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng như co giật, rối loạn nhịp tim, suy tim sung huyết...
back to top