Dinh dưỡng phòng bệnh đường hô hấp mùa đông xuân

Nâng cao sức đề kháng của cơ thể, lựa chọn thực phẩm, thảo dược phù hợp là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa các bệnh lý mùa đông xuân.

Bảo vệ dương khí tăng sức đề kháng cho cơ thể và đường hô hấp

Mùa đông khí hậu giá lạnh sẽ làm cho quá trình chuyển hóa của con người giảm, mạch máu dưới da co lại. Vì vậy, việc ăn uống cần phải được chú ý để giữ ấm và phù hợp với các tạng phủ trong điều kiện thời tiết giá lạnh. Thức ăn phải là những thức ăn ôn nhiệt để giúp cho việc bảo vệ dương khí. Nghĩa là việc ăn uống phải đảm bảo gia tăng nhiệt bên trong, giảm thiểu sự tỏa nhiệt ra ngoài.

Các thực phẩm vừa có tác dụng bổ sung dinh dưỡng, vừa bảo vệ được dương khí và khi ăn vào cơ thể lại cảm thấy ấm áp gồm: Thịt cừu, thịt bò, giăm bông, thịt gà...; Rau các loại có: ớt, hạt tiêu, tỏi, gừng, nấm, hành thơm, hẹ; Quả các loại có hạnh đào, nhãn, hạt dử, đại táo, táo khô, vải, bưởi, hạt thông...

Đặc biệt là cần chú ý sức đề kháng chung của cơ thể lệ thuộc trước tiên vào sự cân bằng dinh dưỡng. Sức đề kháng riêng của đường hô hấp chủ yếu là ở niêm mạc miệng, mũi, khí quản, cuống phổi, cuống họng…

Muốn bảo vệ niêm mạc tốt, trước hết phải uống đủ nước, ăn đủ chất béo (1g dầu mỡ/kg cơ thể /ngày) nhất là trong mùa mưa lạnh.

Vitamin A có nhiều trong rau lá lục đậm, củ quả màu vàng cam đỏ, rất cần cho sự bảo vệ niêm mạc chống nhiễm trùng. Ngoài ra, cơ thể còn cần vitamin C, sắt, acid folic và vitamin nhóm B khác để bảo vệ niêm mạc.

che-do-dinh-duong-trong-mua-lanh-1.jpg
Dinh dưỡng phòng bệnh đường hô hấp mùa đông xuân

Lạnh cũng là yếu tố gây giảm sức đề kháng của cơ thể. Bị mắc mưa lạnh, không mặc đủ ấm, ăn thiếu chất béo và đêm khuya quên đắp ấm lúc trời trở lạnh là nguyên do làm mất sức đề kháng, tạo cơ hội cho bệnh nhiễm đường hô hấp phát triển (vì mầm bệnh thường có sẵn trong đường mũi hầu).

Mất cân bằng lực tĩnh điện ở da và niêm mạc cũng là nguyên nhân làm mất sức đề kháng. Trong không khí, nhất là lúc khí trời thay đổi, đầu cơn mưa… sẽ có nhiều âm điện tử lưu hành, chúng sẽ nhiễm vào đường niêm mạc hô hấp (là nơi có môi trường ẩm dễ dẫn điện), làm lệch lực tĩnh điện gây mất sức đề kháng nên virus và vi khuẩn đang thường trú ở mũi hầu sinh sôi, phát triển gây bệnh dễ dàng.

Tắm rửa mỗi ngày, nhất là khi bị mắc mưa về phải tắm ngay. Khi tắm, nên để chân tiếp xúc với đất, nước, xối nước rỉ rả một hồi. Uống đủ nước (mặc dù mùa lạnh ít khát nuớc) là cách để điều hóa lực tĩnh điện.  

Điều trị sớm và kịp thời

Những người dễ bị cảm cúm, ho hen, nhức đầu sổ nũi… chứng tỏ bị giảm khả năng đề kháng thì nên ăn nhiều rau lá, rau thơm có màu lục đậm, củ quả vàng, đỏ, ăn thêm trứng, gan để đủ vitamin A. Ăn nhiều rau quả tươi để đủ các vitamin khác.

Khi nghẹt mũi, giọng nói khác lạ, phải lo giữ ấm cơ thể, ngậm một lát nghệ tươi. Trong mỗi bữa ăn, nhai vài ba tép tỏi tươi với thức ăn. Bữa ăn nên có nhiều rau thơm như hành, ngò, húng quế, diếp cá, kinh giới… Ăn thêm chất béo hay đậu mè nấu (chứ không rang hay chiên xào). Súc miệng bằng nước pha tí muối (1 muỗng cà phê muối ăn trong 1 ly nước ấm).

Uống nước cam, chanh nhưng chỉ pha 3% đường thôi vì đường nhiều sẽ giảm sức đề kháng.

Nên dùng nồi xông với lá bạch đàn, tràm, sả, hương nhu… Sau đó ăn cháo giải cảm với thật nhiều hành giã nhỏ.

Dùng lòng heo, xào với bún, thêm lá hẹ và thật nhiều nghệ giã cho thật vàng cũng trị ho tốt.

 Nếu bị ho kèm theo đau có sốt nóng, nhất là thở nhanh (thở khó và thở gấp, khi hít vào làm ngực lõm xuống) là triệu chứng cấp cứu, cần đưa đến y tế gấp, vì viêm phổi cấp, viêm họng do liên cầu khuẩn phải dùng kháng sinh đặc hiệu để tránh biến chứng thấp khớp cấp, suy tim sau này.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top