Dinh dưỡng cho người đau nửa đầu

(khoahocdoisong.vn) - Đau nửa đầu migraine thường gặp nhất, thuộc nhóm nhức đầu mạn tính có nguồn gốc rối loạn nguyên phát ở não. Chế độ ăn uống được ví như là một liều thuốc hữu hiệu trong điều trị bệnh đau nửa đầu.

Cẩn thận với đau nửa đầu có biến chứng thần kinh

Đau đầu migraine là loại bệnh không nguy hiểm, ngoại trừ các thể đặc biệt có biến chứng thần kinh (thường gây liệt nửa người, nhồi máu não, co giật). Về cơ chế bệnh sinh, migraine xếp vào nhóm đau đầu do nguyên nhân mạch máu, còn gọi là hội chứng thần kinh – mạch máu ở não và có tính chất cơn rõ rệt.

Đau đầu migraine với đặc trưng là đau nửa đầu tái diễn, thành cơn, thường khởi phát ở tuổi thiếu niên và người trẻ, hiếm gặp ở trẻ em hoặc người cao tuổi, hay gặp hơn ở nữ giới (tỷ lệ nữ/nam: 3/1). Mức độ cơn đau từ vừa đến dữ dội, da đầu căng giật theo nhịp mạch, mỗi cơn kéo dài từ 4 - 72h và thường đạt cơn đau cực đại sau khởi phát khoảng 2h.

Migraine hiếm khi đau hằng ngày và tồn tại lâu dài. Lúc đau thường kèm theo buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, rối loạn thị giác. Cơn đau chỉ xuất hiện một bên đầu và có tính chất thay đổi, khi bên phải khi bên trái. Đau đầu migraine có thể khu trú mọi vị trí trên vùng sọ mặt, nhưng hay gặp nhất là ở một bên thái dương. Tần số thường từ 1 - 2 cơn/tuần, nếu bệnh nhân có hơn 8 cơn đau/tháng thì nên thận trọng khi chẩn đoán là migraine vì tần suất cơn đau đầu trong migraine ít khi nhiều như vậy.

Bổ sung các chất dinh dưỡng

Về điều trị migraine, để phát huy hiệu quả các bác sĩ cần phối hợp song song 3 giải pháp: Ngăn ngừa các yếu tố khởi phát cơn đau (dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt), điều trị cắt cơn đau và điều trị dự phòng.

Ngăn ngừa các yếu tố khởi phát cơn đau: Chế độ ăn uống hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Giấc ngủ phù hợp, tránh thức khuya. Tránh căng thẳng (stress) kết hợp với thư giãn luyện tập. Điều kiện môi trường nơi ở phải có ánh sáng, oxy phù hợp và tránh nhiều tiếng động. Bệnh nhân nên biết về tình trạng bệnh, cách dùng thuốc và cách theo dõi tiến triển của bệnh. Đặc biệt, lựa chọn các thực phẩm hữu ích sẽ giúp giảm các cơn đau.

Chế độ ăn giàu kali: Kali rất hữu hiệu đối với những người đau nửa đầu có kèm theo nôn nao, khó chịu. Chuối và khoai tây còn nguyên vỏ là những thực phẩm chứa nhiều kali nhất.

Uống nhiều nước: Thiếu nước gây đau đầu, nếu bạn lười uống nước thì ăn dưa hấu để bổ sung nước sẽ là một cách thông minh. 

Chế độ ăn giàu canxi: Bổ sung canxi giúp cho não hoạt động tốt hơn, làm giảm các triệu chứng đau nửa đầu. Canxi có nhiều trong các thực phẩm từ bơ, sữa, sữa chua.

Ăn nhiều carbohydrates: Nếu chế độ ăn thiếu carbohydrates cũng dễ gây đau nửa đầu. Những người ăn kiêng thường thiếu chất này do ăn ít các loại thực phẩm nguyên hạt như lúa mỳ, lúa mạch, trái cây và sữa chua. Ăn đủ lượng carbohydrates sẽ làm dịu cơn đau và giúp giải phóng serotonin.

Magie rất quan trọng với bệnh đau nửa đầu: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng magie tìm thấy trong các loại quả như hạnh nhân, chuối, mơ khô… có tác dụng giảm cơn đau nửa đầu.

Thực phẩm cay: Các loại thực phẩm cay như nước sốt ớt nóng có thể giúp bạn “hồi phục” trở lại sau cơn đau nửa đầu. Nếu nguyên nhân đau nửa đầu là do bệnh viêm xoang, những món ăn cay có thể giúp mở đường hô hấp, giảm áp lực và đau đầu kèm theo.

Vitamin E: Bổ sung vitamin E có trong vừng đen sẽ rất có ích cho việc cân bằng estrogen giúp giảm các cơn đau nhất là vào thời kỳ kinh nguyệt.

Rau chân vịt (rau bi na): Là loại rau chứa nhiều các vitamin C, D, K, A, E ngoài tác dụng giảm huyết áp giảm các cơn đau đầu do huyết áp tăng cao. Vì thế, người bị đau nửa đầu nên ăn nhiều loại rau này.

Lương y Nguyễn Hữu Toàn (Hội Đông y Hải Phòng)

Theo Đời sống
back to top