Điều trị rách sụn chêm

(khoahocdoisong.vn) - Sụn chêm hoạt động như một giảm sốc, hấp thu và truyền lực đều từ lồi cầu xương đùi xuống xương chày, làm giảm sang chấn cho sụn khớp. Sụn chêm góp phần tạo nên sự vững chắc cho khớp gối.

Chẩn đoán rách sụn chêm

cac-hinh-thai-rach-sun-chem.jpg

cac-hinh-thai-rach-sun-chem.jpg

Hầu hết bệnh nhân vẫn bước đi bình thường, cầu thủ bóng đá vẫn chơi hết trận ngay sau rách sụn chêm. Tuy nhiên, khoảng 2-3 ngày sau gối dần dần sưng lên và cảm giác mất linh hoạt gối.

Các triệu chứng thường gặp của rách sụn chêm như đau gối; sưng và hạn chế vận động gối; khớp gối bị kẹt, hoặc có tiếng lục cục trong khớp khi vận động; gối không thể gấp duỗi hết tầm; đau khi ấn vào khe khớp bệnh nhân đau..

+ Với các sụn chêm rách nhỏ có cảm giác đau nhẹ và sưng khớp gối, thường kéo dài từ 2-3 tuần.

+ Với rách trung bình có thể là nguyên nhân gây đau ở khe khớp hoặc trung tâm khớp gối. Sưng xuất hiện muộn sau 2-3 ngày. Có thể dẫn đến cứng hoặc giới hạn vận động khớp gối khi gấp khớp gối. Bệnh nhân có thể xuầt hiện đau ở bề mặt khớp gối khi ngồi xổm. Triệu chứng này kéo dài từ 1-2 tuần nhưng có thể trở lại nếu bệnh nhân có các động tác vặn xoắn hoặc quá tải khớp gối. Triệu chứng đau có thể kéo dài nếu không được điều trị.

+ Với rách lớn: Miếng rách sụn chêm có thể di chuyển vào trong khe khớp, có thể là nguyên nhân gây kẹt khớp, khóa khớp làm cho bệnh nhân không thể duỗi thẳng khớp gối được. Xuất hiện sưng hoặc cứng khớp sau chấn thương từ 2-3 ngày.

Với những bệnh nhân lớn tuổi, sụn chêm rách có thể không biết. Bệnh nhân chỉ biết cảm giác đau khớp gối khi ngồi xổm hoặc khi gối vặn xoắn. Đau và sưng nhẹ khớp gối thường là triệu chứng duy nhất.

Chụp MRI khớp gối cho phép chẩn đoán chính xác rách sụn chêm và các tổn thương phối hợp. Nội soi khớp gối cho phép chẩn đoán chính xác rách sụn chêm, hình thái rách. Tuy nhiên, kỹ thuật xâm nhập chỉ nên chỉ định khi muốn can thiệp điều trị, không có chỉ định chẩn đoán đơn thuần.

Lựa chọn phương pháp điều trị

Lựa chọn phương pháp điều trị rách sụn chêm dựa vào hình thái, vị trí và kích thước của tổn thương. Rách ở vị trí 1/3 ngoài: Do cấp máu tốt nên dễ liền. Nếu rách nhỏ tự liền, rách lớn khâu bảo tồn qua nội soi dễ liền, ví dụ rách dọc vị trí 1/3 ngoài. Rách ở vị trí 2/3 trong rất khó liền do cấp máu kém. Đặc biệt rách 1/3 trong không liền. Điều trị thường cắt bỏ phần rách qua nội soi. Ngoài ra, điều trị tổn thương sụn chêm còn dựa vào các yếu tố như tuổi, mức độ hoạt động của bệnh nhân.

Những trường hợp rách nhỏ ở bờ ngoại vi, lâm sàng không đau, gối còn vững thì không cần phẫu thuật. Điều trị ngay sau chấn thương bằng cách chườm đá, băng chun gối, hạn chế vận động, tốt nhất là nghỉ ngơi, bất động, đồng thời dùng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid như celebrex, mobic... thuốc giảm phù nề. Điều trị phẫu thuật cắt toàn bộ sụn chêm đến tận bao khớp qua nội soi rất ít dùng. Phẫu thuật nội soi cắt bỏ phần sụn chêm bị tổn thương thường được dùng hơn, chỉ định khi rách sụn chêm vùng vô mạch. Phương pháp khâu sụn chêm qua nội soi được chỉ định khi vị trí rách vùng giàu mạch máu nơi tiếp giáp với bao khớp; loại rách dọc dài khoảng 2cm; rách mới không quá 8 tuần.

Sau mổ, chân được bất động bằng nẹp trong thời gian 3 tuần. Nếu khâu sụn chêm thời gian bất động sẽ lâu hơn giúp liền sụn. Đồng thời tập vận động sớm để lấy lại biên độ khớp, tập khỏe cơ chống teo cơ.

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm (BV Quân y 103)

Theo Đời sống
back to top