Hỏi: Xin KH&ĐS cho biết về bệnh Thalassemia? Liệu pháp tế bào gốc điều trị bệnh này như thế nào?
Nguyễn Thị Yến (Hà Nội)
ThS Nguyễn Trọng Phúc, Tổ Tư vấn Tế bào gốc, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là một hội chứng rối loạn máu di truyền, gây ra khi cơ thể không tạo đủ protein gọi là hemoglobin, một phần quan trọng của tế bào hồng cầu.
Đây là một tình trạng được gọi là thiếu máu. Người mắc bệnh Thalassemia có thể bị thiếu máu nhẹ hoặc nặng. Thiếu máu nghiêm trọng có thể làm tổn thương các cơ quan và dẫn đến tử vong.
Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu người, tương đương 13% dân số, mang gene bệnh Thalassemia. Trong đó, tỷ lệ người dân đồng bào dân tộc miền núi chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20 - 40%. Mỗi năm có khoảng hơn 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia, trong đó khoảng hơn 2.000 trẻ bị bệnh nặng.
Với sự phát triển của y học hiện đại, đã có những tín hiệu khả quan trong việc kiểm soát và điều trị bệnh Thalassemia, đặc biệt là khả năng tầm soát, phát hiện sớm và sử dụng các biện pháp điều trị công nghệ cao như liệu pháp Tế bào gốc. Phương pháp này đã thể hiện những ưu điểm vượt trội:
- Các tế bào gốc có thể được lấy dễ dàng khi sinh và thường với số lượng đủ cho một lần hiến tủy thành công, vì thế có thể tránh việc tiếp tục lấy tủy xương của người cho sau này.
- Sau khi được truyền vào cơ thể bệnh nhân, các tế bào gốc máu cuống rốn khỏe mạnh này sẽ phân chia và tái tạo trong máu nhằm bổ sung các tế bào hồng cầu và lượng sắt bền vững.
Phương pháp điều trị mới này cũng có ưu điểm lớn so với phương pháp cấy ghép tủy xương trước đây với mức độ nguy cơ thấp, làm giảm khả năng xảy ra các biến chứng như thải ghép…
Liệu pháp tế bào gốc hoàn toàn có thể mở ra một con đường mới, niềm hy vọng mới trong việc điều trị triệt để cho người mắc hội chứng tan máu bẩm sinh Thalassemia, một căn bệnh từng được cho là không thể chữa khỏi.