Điều chỉnh chế độ ăn tránh thừa cholesterol gây bệnh tim mạch

(khoahocdoisong.vn) - Lối sống, chế độ ăn không khoa học khiến tỷ lệ người Việt thừa cholesterol ở mức báo động. Đây là thủ phạm chính gây các bệnh tim mạch và khiến tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam cao hơn thế giới.

Không kiểm soát ăn uống thừa cholesterol gây tim mạch và tử vong

Trong buổi lễ phát động "Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, có khoảng 1/3 số người trưởng thành Việt Nam có tình trạng thừa cholesterol. Đặc biệt, hơn 50% phụ nữ trong độ tuổi 50 - 69 tuổi đang trong tình trạng thừa cholesterol. Đây là thực trạng đáng báo động và cần có những biện pháp ngăn chặn kịp thời vì thừa cholesterol chính một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới và làm gia tăng tỷ lệ các bệnh tai biến mạch máu não (đột quỵ), nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành… và làm tăng tỷ lệ chết vì bệnh không lây nhiễm (BKLN).

Tại Việt Nam, BKLN là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Trong năm 2016, có 548.800 ca tử vong, trong đó tử vong do BKLN chiếm 77% (thế giới là 70%). Cứ 10 người chết̀ có 7 người chết do BKLN tập trung ở các bệnh như tim mạch đa phần do lượng người mắc cholesterol cao.

PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, cholesterol là một chất béo quan trọng, cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, nếu hàm lượng cholesterol trong máu vượt quá ngưỡng cần thiết sẽ làm lắng đọng các mảng lipid, tích tụ lâu ngày sẽ hình thành các mảng xơ vữa động mạch ở thành mạch máu dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong như các bệnh tim mạch. 2 nguồn sản sinh cholesterol cho cơ thể là nội sinh (do gan tự tổng hợp) và ngoại sinh (đến từ các thực phẩm). Trong đó, nguồn ngoại sinh hầu như là nơi khởi phát chính của tình trạng thừa cholesterol.

Thói quen gây thừa cholesterol

Thói quen gây thừa cholesterol

Tỷ lệ người Việt thừa cholesterol ở mức báo động là do chưa kiểm soát được các thói quen ăn uống và sinh hoạt để giữ gìn sức khỏe. Cụ thể, ăn thực phẩm chứa nhiều cholesterol nguồn gốc từ động vật như thịt bò, mỡ bò, thịt lợn, mỡ lợn, thịt gia cầm béo (vịt, ngỗng nuôi công nghiệp) và nội tạng động vật. Uống nhiều rượu, bia và các thức uống có ga cũng sẽ làm tăng cholesterol xấu. Người Việt ăn ít rau, ít cá, nhiều thịt, thừa muối... Lối sống không khoa học, lành mạnh như lười tập thể dục và ít tham gia các hoạt động thể chất, không kiểm soát cân nặng, hút thuốc... làm tăng lượng cholesterol xấu.

Điều tra các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm sau 5 năm (2010 và 2015) cho thấy, chỉ có 2 yếu tố là lượng rau - trái cây tiêu thụ và hoạt động thể lực đã có cải thiện bước đầu, nhưng ở mức thấp, các chỉ số như hút thuốc lá, uống rượu, bia đến mức nguy hại, tiêu thụ muối nhiều gấp đôi khuyến cáo... đều chưa kiểm soát được... khiến cho người thừa cholesterol tiếp tục gia tăng.

Ăn nhiều rau và tăng cường sử dụng chất béo chưa no nhiều nối đôi

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, giải pháp dinh dưỡng hợp lý trong kiểm soát glucose máu là thực hiện đủ 10 lời khuyên: Tăng tiêu thụ rau quả; Giảm tiêu thụ muối; Dinh dưỡng chất béo hợp lý; Giảm tiêu thụ đường tinh chế: Sử dụng hợp lý nguồn thực phẩm giàu đạm; Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng; Phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi; Kiểm soát cân nặng; Phòng chống tác hại của rượu bia và Uống đủ nước.

PGS.TS Lê Thị Bạch Mai hướng dẫn cách phòng ngừa thừa cholesterol và bệnh không lây nhiễm.

PGS.TS Lê Thị Bạch Mai hướng dẫn cách phòng ngừa thừa cholesterol và bệnh không lây nhiễm.

Cụ thể, trong ăn uống cần đảm bảo đủ 8 nhóm thực phẩm: Nhóm lương thực (gạo, ngô, khoai sắn...), nhóm hạt (đậu, đỗ, vừng, lạc...), nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa; nhóm dầu ăn và mỡ các loại, nhóm thịt cá và hải sản, nhóm trứng các loại và sản phẩm của trứng, nhóm rau củ quả nói chung và rau củ quả có màu vàng, màu da cam, màu đỏ...

”Mỗi người cần sử dụng 400g rau quả/ngày, chú ý rau quả tươi, sạch, dùng nhiều rau quả có màu xanh đậm, vàng, đỏ. Uống đủ nước theo thể trọng từng người, người 50kg cần uống 2 lít nước/ngày, người 60 kg lượng nước cần dùng tăng lên 2,4 lít/ngày, giảm tiêu thụ muối. Tốt nhất người Việt nên giảm thói quen lạm dụng chấm khi ăn" - PGS.TS Lê Ngọc Mai hướng dẫn.

Đặc biệt, yếu tố quan trọng trong kiểm soát cholesterol là cần lưu ý tăng cường sử dụng chất béo chưa no có nhiều nối đôi. Nhiều axit béo chưa no có nhiều nối đôi với tỷ lệ mắc xơ vữa động mạch đã cho thấy rõ hiệu quả làm giảm cholesterol máu và phòng chống các bệnh tim mạch. Cụ thể đó là loại chất béo không bão hòa như omega 3-6-9 được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển sâu như cá hồi, cá trích và các loại dầu thực vật như dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương… Tốt nhất nên ăn cá 2 - 3 lần/tuần, sử dụng dầu thực vật dưới dạng trộn xà lách hay xào thức ăn (cho dầu vào đảo đều trước khi bắc nồi thức ăn ra khỏi bếp), không nên sử dụng dưới dạng chiên rán.

Hơn nữa, nên dùng dưỡng chất gamma-oryzanol & phytosterol có trong một số loại dầu ăn và gạo lứt đã được khoa học chứng minh có tác dụng trong việc giảm hấp thụ cholesterol xấu từ thực phẩm.

Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động thể chất như tập thể dục thường xuyên (đi bộ, đạp xe, bơi lội…). Không hút thuốc, hạn chế rượu, bia.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top