Chỉ còn Trung Quốc thúc đẩy điện than
Ngày 28/3, Tổ chức Hòa Bình Xanh Ấn Độ (GreenPeace India), Sierra Club và tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (Global Energy Minitor) công bố "Báo cáo: Bùng nổ và Thoái trào 2019: Giám sát các Nhà máy Điện than Toàn cầu". Đây là khảo sát thường niên lần thứ 5 đối với các dự án nhiệt điện than. Kết quả chính của báo cáo gồm: so với năm trước, công suất điện than năm 2018 giảm 20% tỷ lệ cấp phép mới (53% trong vòng 3 năm qua), giảm 39% hoạt động khởi công (84% trong vòng 3 năm qua), và giảm 24% hoạt động tiền xây dựng (69% trong vòng 3 năm qua).
Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp số lượng dự án điện than triển khai trên toàn cầu giảm mạnh. Số nhà máy đóng cửa tiếp tục tăng với tốc độ kỷ lục. Đối với toàn cầu năm 2018 được ghi nhận là năm có số nhà máy đóng cửa nhiều thứ 3 so với các năm khác. Trong số đó, Mỹ chiếm một nửa (17.614 MW, tương đương 45 tổ máy) bất chấp nỗ lực ngăn cản của chính quyền Trump. Sự suy giảm đối với hầu hết các chỉ số tăng trưởng của điện than cho thấy môi trường chính trị, kinh tế ngày càng thắt chặt đối với các nhà sản xuất trong ngành này, bao gồm các thắt chặt tài chính của hơn 100 tổ chức cũng như kế hoạch chấm dứt hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than tại 31 quốc gia.
Cũng theo báo cáo này thì một ngoại lệ rõ ràng đi ngược lại xu hướng giảm phát triển nhiệt điện than trên toàn cầu chính là Trung Quốc. Tại đây, ảnh chụp vệ tinh cho thấy chủ đầu tư đã âm thầm tái thi công hàng tá dự án đang tạm dừng hoạt động. Báo cáo mới đây của Hội đồng Điện tử Trung Quốc, cơ quan đại diện cho các công ty điện của nước này đã đề xuất hạn mức công suất mới cho ngành điện than Trung Quốc là 1.300 gigawatt. Mức điều chỉnh này sẽ cho phép bổ sung 290 gigawatt công suất điện than mới vào lưới điện quốc gia – nhiều hơn cả tổng công suất điện than của Mỹ (259 gigawatt). Đương nhiên khi đó, mục tiêu khí hậu sẽ không thể hoàn thành nếu không dừng ngay việc mở rộng các nhà máy mới và đẩy nhanh việc đóng cửa các nhà máy đang vận hành.
Điện than góp phần gia tăng ô nhiễm
Theo các chuyên gia của Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID), khi giá của các giải pháp năng lượng sạch và tái tạo như gió và mặt trời tiếp tục giảm xuống thấp hơn nhiên liệu hóa thạch, viễn cảnh than trở thành nguồn năng lượng của quá khứ trên toàn cầu chỉ còn là vấn đề về thời gian. Mỹ đang trên đà xóa bỏ hoàn toàn điện than và chuyển sang 100% năng lượng sạch tới năm 2030, và chúng ta đang ở thời điểm quyết định để thúc đẩy và hỗ trợ các phong trào cộng đồng chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch một cách công bằng, đặc biệt là các quốc gia ở Bán cầu Nam.
Ở Việt Nam, trong 5 năm qua, Việt Nam đã tăng 75% (13 GW) công suất điện than và cho tới nay, đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong số các nước có quy mô công suất trên 4 GW. Hiện Việt Nam có hơn 17 GW điện than đang được vận hành, trong đó 1,8 GW đã được bổ sung trong năm 2018. Có gần 33 GW đang trong giai đoạn tiền thi công, trong đó 10 GW đã được cấp các giấy phép thi công cần thiết. Ngoài ra còn có 9,7 GW đang trong quá trình xây dựng. Vốn hỗ trợ cho các dự án này chủ yếu là từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc vẫn đang rót vốn cho các dự án điện than ở Việt Nam với tổng công suất gần 14 GW.
Hoạt động mở rộng sản xuất điện than cũng đã vấp phải sự phản đối ngày càng tăng từ phía người dân do những tác động tiêu cực như ô nhiễm không khí gia tăng tại các thành phố đông dân như Hà Nội. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng về điều này, rằng phát triển điện than là đi ngược với xu hướng thế giới. Trước áp lực dư luận, Quy hoạch Phát triển Điện VII điều chỉnh đã giảm tổng công suất nhiệt điện than năm 2030 từ 75 GW xuống 55 GW tuy nhiên mức này vẫn cao gấp 3 lần tổng công suất năm 2018.
Chi phí xây dựng các nhà máy điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp hơn so với các nhà máy điện than vào năm 2020 - 2022 tạo tiền để giảm dần điện than.