Theo Bộ TN&MT, trong thời gian tới, sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở xử lý chất thải rắn (CTR) trên toàn quốc. Nếu đơn vị nào vi phạm thì quyết định thanh tra toàn diện, và nếu sai phạm nặng nề, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ đề nghị đóng cửa.
Việt Nam cũng như các nước đang phát triển phải đối mặt với những thách thức lớn trong vấn đề quản lý CTR. Mỗi năm, tổng lượng CTR sinh hoạt là gần 16 triệu tấn. Tỷ lệ CTR sinh hoạt được thu gom tại các đô thị đạt 85,5%, khu vực nông thôn khoảng 40-50%.
Trong đó, 28,9% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 71,1% chôn lấp trực tiếp, còn 6% chôn sau khi đốt, tổng lượng chôn lấp 77,5%. Trong tổng số 660 bãi chôn lấp có quy mô lớn hơn 1ha, mới có 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Những bãi chôn rác tại các thành phố thường trực nguy cơ gây ô nhiễm nước và không khí.
Đến nay, hầu hết các địa phương, kể cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn xử lý rác thải sinh hoạt bằng hình thức phổ biến là chôn lấp. Các địa phương và chủ đầu tư chưa lựa chọn được công nghệ nào phù hợp với rác thải sinh hoạt nên không xử lý triệt để và để phát sinh ô nhiễm thứ cấp ra môi trường.
Sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở xử lý chất thải rắn trên toàn quốc. |
Bộ trưởng Bộ TN&MT - Trần Hồng Hà cho biết, bộ đã khẩn trương tiến hành rà soát các văn bản pháp luật, các quy định hiện hành về phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ, ngành và địa phương. Đặc biệt, bộ sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở xử lý CTR trên toàn quốc. Nếu đơn vị nào vi phạm thì quyết định thanh tra toàn diện và nếu sai phạm nặng nề, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ đề nghị đóng cửa.