Kinh nghiệm của Trung Quốc về lĩnh vực sử dụng lò phản ứng hạt nhân trong tàu ngầm, tàu chiến còn hạn chế. Không giống như Nga và Hoa Kỳ là hai cường quốc có thời gian chạy đua vũ trang trong nhiều thập niên đã tập trung phát triển các loại tàu chiến, tàu ngầm và tàu tuần dương hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Vì vậy, đây sẽ là hạn chế rất lớn của Trung Quốc trong việc phát triển công nghệ nhà máy điện hạt nhân nổi.
Năng lực hạn chế
Nhà máy điện hạt nhân trên đất liền đã có lịch sử phát triển hơn 60 năm với kinh nghiệm vận hành. Các kịch bản sự cố đã được tính đến trong thiết kế. Tuy nhiên, đối với nhà máy điện hạt nhân nổi thì mới được phát triển, chưa có kinh nghiệm vận hành và điều kiện vận hành ở trên biển với các yếu tố nguy hiểm như sóng thần, bão tố, lốc xoáy... là hoàn toàn khác so với thiết kế của các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền. Do đó, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho toàn bộ nhà máy cũng như các chi tiết, cấu kiện của nhà máy từ các ảnh hưởng nêu trên là rất lớn. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như va chạm với các tàu vận tải khác trên biển hay tấn công khủng bố cũng như chiến tranh do tranh chấp chủ quyền lãnh hải.
Hệ thống pháp quy hạt nhân về nhà máy điện hạt nhân nổi còn chưa đầy đủ, năng lực thẩm định an toàn của Cơ quan Pháp quy hạt nhân Trung Quốc đối với các nhà máy điện hạt nhân cả trên đất liền và nhà máy điện hạt nhân nổi còn hạn chế do Trung Quốc phát triển nhiều loại công nghệ, tốc độ phát triển điện hạt nhân quá nóng và đội ngũ cán bộ chuyên môn của cơ quan pháp quy hạt nhân còn hạn chế cả về số lượng và năng lực.
Thông tin về an toàn của các nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc là khó tiếp cận. Trung Quốc đã ký Công ước An toàn hạt nhân. Nhưng báo cáo quốc gia theo Công ước này của Trung Quốc chỉ đề cập đến các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền, không đề cập đến các nhà máy điện hạt nhân nổi. Còn nếu sử dụng Công ước thông báo sớm khi có sự cố, tai nạn bức xạ và hạt nhân thì là quá muộn đối với các nước trong khu vực để có thể phòng chống và khắc phục hậu quả nếu nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc bị sự cố.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Rủi ro cho các nước trong khu vực khi Trung Quốc phát triển các nhà máy điện hạt nhân nổi trên Biển Đông là không ít. Theo đó, tai nạn luôn rình rập với nhà máy điện hạt nhân nổi do ảnh hưởng của sóng thần, bão tố và lốc xoáy.
Mặc dù nó được thiết kế có thể chống chịu được các mối đe dọa của sóng thần và các mối nguy hại tự nhiên khác, nhưng xác suất xảy ra tai nạn vẫn có. Như trường hợp tai nạn nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và tàu Titanic, mặc dù khi thiết kế đều đã tính toán hết các yếu tố ảnh hưởng đến an toàn nhưng sự cố vẫn xảy ra.
Đối với Trung Quốc thì như đã nói trên là năng lực thẩm định an toàn độc lập của Cơ quan Pháp quy đối với nhà máy điện hạt nhân trên đất liền và nhà máy điện hạt nhân nổi là hạn chế. Do đó, khi có sóng thần hay lốc xoáy sẽ làm rung lắc toàn bộ nhà máy. Sự rung lắc này sẽ phá hủy các chức năng cơ bản của nhà máy. Hậu quả là làm phát tán chất phóng xạ ra môi trường.
Hậu quả của tai nạn nhà máy điện hạt nhân nổi rất khó xử lý. Khi sự cố đã xảy ra đều có khả năng dẫn đến làm phát tán phóng xạ vào môi trường. Mặc dù theo tính toán, khi nhà máy bị tàn phá do thiên tai thì lõi của lò phản ứng sẽ được làm lạnh bằng nước biển. Tuy nhiên, một yếu tố khác lại xảy ra khi nước biển tiếp xúc với thanh nhiên liệu nóng chảy sẽ gây ra nổ hydro làm phát tán một lượng lớn chất phóng xạ vào khí quyển.
Lịch sử đã ghi nhận rất nhiều tai nạn đối với tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân (tàu ngầm và tàu phá băng). Năm 1965 tàu phá băng mang tên Lênin đã bị sự cố nóng chảy vùng hoạt. Năm 1970 tàu ngầm hạt nhân K320 bị sự cố làm phát tán một lượng lớn phóng xạ vào môi trường và gây ra chiếu xạ cho hàng trăm người. Năm 1985 sự cố xảy ra trong quá trình nạp tải nhiên liệu hạt nhân cho tàu ngầm gây ra chiếu xạ cho 290 công nhân, làm chết 10 người và 49 người bị thương. Do đó, việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ làm tăng nguy cơ sự cố và tai nạn hạt nhân trên biển. Đối với Trung Quốc kinh nghiệm còn hạn chế trong lĩnh vực tàu hạt nhân thì nguy cơ sự cố tai nạn còn cao hơn.
Nguy cơ chất thải hạt nhân bị đắm xuống đáy biển: Nhà máy điện hạt nhân nổi cần phải định kỳ 2 - 3 năm phải thay nhiên liệu một lần. Cùng với chất thải hoạt độ thấp và trung bình sinh ra trong quá trình hoạt động của nhà máy điện hạt nhân nổi, còn có một lượng không nhỏ chất thải hoạt độ cao là các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng. Khi đó các chất thải này sẽ được giữ trên nhà máy điện hạt nhân nổi cho hết chu trình vận hành 12 năm trên biển. Đặc biệt, các chất thải này sẽ ở trên biển trong nhiều năm và đây là tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn do yếu tố thảm họa thiên nhiên (sóng thần, lốc xoáy...) cũng như do các yếu tố nhân tạo (va chạm với các phương tiện vận tải khác trên biển, tấn công, khủng bố...). Đây là những chất thải với thời gian bán rã hàng triệu năm thì hậu quả của các sự cố, tai nạn là cực kỳ nguy hiểm cho con người và môi trường.
Một vài nhận xét và kết luận
* “Công nghệ nhà máy điện hạt nhân nổi cho đến nay chưa thể xem là công nghệ đã được kiểm chứng mà mới chỉ ở giai đoạn ban đầu thử nghiệm và tích lũy các kinh nghiệm trong việc bảo đảm an toàn thông qua thực tiễn vận hành ở các nước, chủ yếu là Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Do đó, những rủi ro về mất an toàn là khó tránh khỏi ở giai đoạn hiện nay”. Vương Hữu Tấn (Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam)
* Trung Quốc có chương trình phát triển các nhà máy điện hạt nhân nổi rất tham vọng và tương đối nóng, tương tự như đối với các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền. Do đó, tiềm ẩn các nguy cơ gây mất an toàn là không nhỏ. Vì vậy, Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ sự phát triển điện hạt nhân của Trung Quốc cả nhà máy điện hạt nhân trên đất liền và nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển để nắm biết được tình hình phát triển của họ và chuẩn bị sẵn sàng năng lực và cơ sở hạ tầng quốc gia về ứng phó các sự cố tai nạn bức xạ và hạt nhân từ các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc.