Chi phí vận hành điện hạt nhân cực lớn
Trước tình trạng tiêu thụ điện ngày càng tăng, một số ý kiến cho rằng, Việt Nam cần tính đến phát triển điện hạt nhân vì đầu tư điện hạt nhân không tốn nhiều diện tích, hiệu suất cao, không tác động xấu đến môi trường. Điều này là đúng, nhưng chưa đầy đủ khi hiểu về điện hạt nhân.
Chi phí để xây nhà máy điện hạt nhân là rất lớn, nhưng chi phí vòng đời, chi phí vận hành của nhà máy còn lớn hơn. Thứ nữa là chi phí mua nhiên liệu hạt nhân. Việt Nam sẽ luôn phải phụ thuộc vào giá do các quốc gia xuất khẩu đặt ra. Lại còn chi phí cho việc chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp và truyền thông cho công chúng. Những chi phí này bao gồm chi phí để đào tạo nhân lực chuyên phụ trách xử lý và ứng phó với các tình huống khẩn cấp, chi phí để phát triển các kế hoạch ứng phó khẩn cấp. Những chi phí này sẽ phát sinh ở tất cả các địa điểm hạt nhân (lò phản ứng, lưu trữ chất thải và đường vận chuyển nguyên liệu phóng xạ). Chi phí để bảo hiểm cho các sự cố có thể xảy ra. Chi phí để đảm bảo an ninh cho các cơ sở hạt nhân khỏi các hoạt động khủng bố. Các chi phí để tháo dỡ lò phản ứng, chi phí này tương ứng với chi phí xây dựng. Không giống tuốc bin gió hoặc nhà máy điện than, các thiết bị của lò phản ứng hạt nhân có chứa phóng xạ, do đó không thể bán hoặc tái chế mà phải được tháo dỡ cẩn thận (thường là dùng robot để thảo dỡ vì hoạt động đó quá nguy hiểm cho con người) và được lưu trữ dưới dạng rác thải hạt nhân.
Tất cả những chi phí trên sẽ phát sinh trong quá trình vận hành an toàn lò phản ứng, nghĩa là sẽ có nhiều chi phí cao hơn đáng kể trong trường hợp xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Nếu xảy ra tai nạn hoặc sự cố gây thiệt hại, chi phí để làm sạch và phục hồi sẽ rất lớn. Ước tính chi phí làm sạch của tai nạn Fukushima là khoảng 131 tỷ USD. Trong bối cảnh như vậy, rất khó để tính toán giá thực tế cho mỗi kWh điện hạt nhân, chi phí chỉ có thể tính được sau khi đóng cửa nhà máy điện cuối cùng (để biết được có bất kỳ sự cố nghiêm trọng nào xảy ra không), và sau khi bức xạ nguyên liệu hạt nhân phân rã (sau 200.000 năm).
Tìm năng lượng thay thế
Đã đến lúc Việt Nam phải cân nhắc đến các giải pháp năng lượng thay thế nếu nhìn vào những rủi ro và bất lợi của năng lượng hạt nhân tính đến thời điểm hiện tại. Một số chuyên gia về năng lượng hạt nhân khẳng định, loạt lò phản ứng hạt nhân mới thế hệ 3+ và 4 là an toàn và có thể giải quyết được các thiếu sót của các loại lò phản ứng hạt nhân cũ. Nhưng thế giới hiện vẫn chưa có một nhà máy hạt nhân thế hệ 4 nào ra đời, và công nghệ này nhiều khả năng sẽ chỉ có thể đưa vào thương mại hóa sớm nhất vào những năm 2030.
Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn để tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng. Dự báo nhu cầu điện sát thực tế là yêu cầu rất cần thiết để tránh lãng phí nguồn đầu tư vào việc xây dựng các nhà máy năng lượng mới và gây tổn hại đến môi trường. Theo những nghiên cứu gần đây, Việt Nam có thể giảm được 208 tỷ kWh vào năm 2030 so với quy hoạch điện 7 nếu có những biện pháp quản lý hiệu quả năng lượng, kết hợp với các dự báo nhu cầu năng lượng sát thực tế.
Năng lượng tái tạo là lựa chọn khả thi tốt nhất cho Việt Nam. Với các ưu điểm về tính khả thi của công nghệ, lợi ích kinh tế và dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính, việc sản xuất điện từ năng lượng tái tạo đang bùng nổ trên toàn thế giới một vài năm gần đây. So với điện than và điện hạt nhân, điện năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo từ mặt trời, sinh khối, và gió. Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được nguồn năng lượng trong nước, thoát khỏi việc bị phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia thậm chí cả khi không có gió và ánh sáng mặt trời thì năng lượng vẫn được cung cấp đủ nhờ những tiến bộ trong công nghệ lưu trữ điện. Năng lượng tái tạo là một công nghệ tiến bộ, ít rủi ro, tai nạn, ít gây ra tác động xấu đến môi trường và sinh kế của người dân.
Những bất lợi của điện hạt nhân lớn hơn các lợi ích nó mang lại. Lợi thế dễ nhìn thấy của điện hạt nhân là hiệu suất cao, không tốn nhiều diện tích khi tính lượng điện được sản xuất tương ứng trên đơn vị diện tích sử dụng (không tính đến diện tích để lưu trữ rác thải hạt nhân).