Bụi từ đâu ra?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí bên ngoài bắt nguồn từ các nguồn tự nhiên và nhân tạo. Trong đó, các nguồn tự nhiên phần nhiều là do các vụ cháy rừng và bão bụi. Các nguồn nhân tạo chủ yếu từ giao thông, sản xuất điện, công nghiệp, hoạt động đốt rác thải và phế phẩm nông nghiệp, hoạt động xây dựng hay các nguồn dân sinh như nấu ăn, thắp sáng, sưởi ấm bằng các nhiên liệu gây ô nhiễm.
PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, kết quả nghiên cứu mới nhất của ông về bụi nano cho thấy, nguồn phát thải bụi nano từ giao thông chiếm tới 46,3%; từ bụi thứ cấp trong không khí là 31%; từ đun nấu sinh hoạt và bụi đất công nghiệp là 2,6%. Các kết quả đo đạc cho thấy, vào cuối tuần, lượng phương tiện giảm thì ô nhiễm cũng giảm.
Bà Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường quốc gia thì cho rằng, ảnh hưởng của giao thông đối với chất lượng không khí là rất rõ nhận thấy khi tất cả các thông số ô nhiễm, đặc biệt là nồng độ bụi PM 2.5 vào các giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều vượt lên rất cao. Tuy nhiên, đó là quy luật hằng ngày. Nhưng ở Hà Nội, những lúc nồng độ PM 2.5 lên rất cao thì không phải là do giao thông mà phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, giảng viên cao cấp Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết, qua nghiên cứu các mô hình, ông nhận thấy, giao thông, dân sinh và kể cả nguồn nông nghiệp như đốt rơm rạ cũng không phải là nguồn phát thải lớn nhất. Vậy cái gì đã sinh ra bụi mịn, nguồn nào dẫn đến không khí ô nhiễm nghiêm trọng suốt thời gian qua? Có người nói do phát triển nhiệt điện than, có người cho rằng do xây dựng, do rác thải, do đủ thứ nguồn khác nhau, nhưng không ai thống kê được cụ thể phát thải từng nguồn như thế nào.
Nói về nguồn phát sinh bụi mịn, khi còn là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, TS Hoàng Dương Tùng cho biết, nhiều hoạt động trong nhà tưởng không có tác hại gì nhưng những hoạt động đó lại gây bụi. Tuy nhiên, hiện chúng ta nói nhiều tới bụi ngoài trời, còn bụi trong nhà chưa có nhiều nghiên cứu tại Việt Nam. TS Hoàng Dương Tùng dẫn một số hoạt động đã có những nghiên cứu chứng minh gây bụi trong nhà như hút thuốc trong phòng, rang lạc, đun nấu, sơn tường… Ví dụ, nhiều loại sơn có chì rất độc hại đối với sức khỏe con người, trên thế giới từng có chiến dịch chống chì trong sơn. Thậm chí, một nghiên cứu trong lớp học của các nhà khoa học Tây Ban Nha cũng chỉ ra, gãi đầu, gãi da người cũng gây bụi. Theo ông Tùng, trong nhà có bụi phát sinh nhưng ở mức độ nào, ảnh hưởng sức khỏe con người ra sao còn tùy từng hoạt động.
Biết nguồn gây ô nhiễm sẽ có giải pháp
Mới đây, ông Vũ Đăng Định, người phát ngôn của UBND TP Hà Nội, chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm gồm: Khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các nguyên nhân khác là: Đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.
Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, tính đến tháng 10/2017, trên địa bàn thành phố có trên 55.000 bếp than tổ ong đang được sử dụng, phần nhiều là của các quán ăn, nhà hàng, quán nước vỉa hè. “Theo số liệu điều tra của chúng tôi, mỗi ngày người dân thành phố sử dụng 528 tấn than, tương đương với 1.872 tấn khí CO2 phát thải ra môi trường”, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 1/10.
TS Lưu Đức Hải, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng hiện nay là hoạt động không được kiểm soát của các làng nghề tái chế, sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông… Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề. Nếu doanh thu cao có thể đạt hàng trăm tỷ đồng/năm, nhưng đa số làng nghề ít quan tâm tới xử lý chất thải. Ngoài ra, theo số liệu đến hết năm 2017 thì địa bàn Hà Nội có hơn 1.000 công trình xây dựng lớn, nhỏ, mỗi tháng hơn 10.000m2 đường bị đào bới để triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật. Nhiều dự án cải tạo hạ tầng, xây dựng nút giao thông, khu đô thị mới đã kéo dài, gây ô nhiễm. Các vi phạm như không che bạt chống bụi, tập kết phế thải lấn chiếm vỉa hè, rơi vãi vật tư, đất cát ra đường... cũng gây ô nhiễm.
Theo GS Hoàng Xuân Cơ, những công trình xây dựng hoạt động suốt ngày đêm, những chiếc xe chở vật liệu xây dựng, bám đầy bụi đất, xả khói đen sì, những cơ sở sản xuất công nghiệp xả thái trực tiếp vào môi trường… ở những thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM khiến bầu không khí ngày càng ô nhiễm. Đủ loại khói bụi xả thẳng ra đường phố khiến bầu không khí ngày càng trở nên ô nhiễm trầm trọng. Hà Nội lúc nào cũng như một đại công trường. Trên địa bàn thành phố luôn có tới hàng trăm công trình xây dựng lớn, nhỏ được thi công. Trong đó có đến hàng chục dự án cải tạo, xây dựng các nút giao thông, các khu đô thị mới, quy mô lớn, thời gian thi công kéo dài hằng năm, gây ô nhiễm bụi cả khu vực rộng lớn. Ngoài ra, hằng tháng còn có khoảng hàng nghìn mét vuông đường bị đào bới để thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật. Tất cả những nguyên nhân trên khiến cho tình trạng ô nhiễm bụi ở Hà Nội vẫn ở mức cao.
Theo số liệu của Phòng CSGT TP Hà Nội, tính đến Quý 1/2019, CSGT Hà Nội quản lý 6.649.596 phương tiện. Trong đó có 739.731 ôtô, 5.761.436 xe máy và xe máy điện là 148.429 chiếc. Đánh giá tổng hợp 2014 - 2019 cho thấy, trong năm 2017, số lượng phương tiện tăng 5,3%, đến năm 2018 tăng 4,2% và năm 2019 so với 2018 đã tăng 1,5%. Theo số liệu phương tiện được phờng CSGT thống kê, xe máy đang chiếm đến 86% lượng phương tiện giao thông đang tham gia ở Hà Nội. Tổng số phương tiện khoảng 6,6 triệu chiếc.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ cũng cho hay, cho tới thời điểm hiện tại, những nghiên cứu về chất lượng không khí tại Việt Nam chủ yếu dừng lại ở các khía cạnh đơn lẻ và chưa có một nghiên cứu toàn diện, cập nhật nào phản ánh đúng bản chất của hiện tượng ô nhiễm không khí, do cơ quan có thẩm quyền công bố. Cho đến giờ số liệu của chúng ta rất tản mạn, không tập trung được, vì vậy chưa hình thành được cơ sở dữ liệu tương đối đầy đủ năm này qua năm khác, có tính liên tục về thời gian và không gian nên chưa thể chỉ ra đích xác nguồn gây ô nhiễm là từ đâu.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) cho rằng, để có những chính sách đúng đắn để cải thiện chất lượng không khí cần phải xác định rõ nguồn nào gây ô nhiễm, đóng góp ô nhiễm bao nhiêu phần trăm. Muốn làm được việc này thì phải dựa vào nguồn kiểm kê phát thải, xem từng chất từ ngành nào, bao nhiêu... để từ đó có những chính sách đúng đắn. Với nguồn phát thải từ giao thông thì xử lý như thế nào, nguồn từ xây dựng hay các nguồn sản xuất… xử lý ra sao. Càng làm sớm bao nhiêu thì càng có những cơ hội đề ra những chính sách khả thi, phù hợp bấy nhiêu.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, để hạn chế tình trạng trên, hiện nay, Hà Nội đang triển khai các biện pháp quản lý, cải thiện môi trường không khí như lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng mạng lưới quan trắc giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm; thay đổi việc thu gom rác thải hằng ngày từ thủ công sang toàn bộ bằng máy quét, hút bụi; xử lý ô nhiễm ao hồ nội ngoại thành; triển khai chiến dịch cánh đồng không đốt rơm rạ, hạn chế phương tiện cá nhân, kiểm soát khí thải…