Cục Đường sắt VN đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Báo cáo tổng kết Luật Đường sắt 2017. Một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo là đề xuất phân quyền UBND tỉnh đầu tư hạ tầng.
Cụ thể, Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng từ khi Luật Đường sắt 2017 có hiệu lực (từ 1/7/2018) đến nay, việc đầu tư xây dựng hạ tầng đường sắt chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách, chưa có dự án đầu tư phát triển đường sắt quốc gia theo hình thức đối tác công tư.
Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách này quá ít so với nhu cầu của ngành đường sắt. Cụ thể, giai đoạn 2016 – 2021, với nguồn vốn Ngân sách chỉ đạt 6,8% nhu cầu. Giai đoạn 2021-2025 mới được 14.025 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,8% so với nhu cầu.
Do đó, Cục Đường sắt cho rằng cần huy động các nguồn lực đầu tư đường sắt ngoài vốn ngân sách Trung ương để thực hiện được mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.
Do đó, Cục đường sắt đề xuất phân quyền cho 26 UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đầu tư, bảo trì, khai thác đường sắt kết nối đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng, các cảng biển lớn, cảng cạn, cảng thủy nội địa, khu kinh tế, khu du lịch... trên địa bàn với mạng lưới đường sắt quốc gia; đường sắt kết nối nội vùng.
Đối với các tuyến đường sắt quốc gia qua địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, UBND tỉnh chỉ được phân quyền sau khi có ý kiến của Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.