Ung thư thường không có triệu chứng cụ thể, vì vậy để phòng bệnh và phát hiện sớm, người dân cần hạn chế các yếu tố nguy cơ và thực hiện biện pháp sàng lọc ung thư phù hợp.
Đau
Khi khối u phát triển và lan rộng thì chúng sẽ chèn ép lên mạch máu, dây thần kinh hoặc các cơ quan lân cận. Vì thế, người bệnh sẽ cảm thấy đau, ngay cả khi đã dùng thuốc giảm đau. Cảm giác đau kéo dài và ngày càng nghiêm trọng thì cần đi kiểm tra càng sớm càng tốt.
Sưng, nổi cục u, nổi hạch
Bất kỳ vùng nào trên cơ thể bị sưng, nổi cục u và nổi hạch thì cũng đều cảnh báo bệnh lý bất thường, thậm chí có thể là bệnh ung thư. Đặc biệt, hạch nổi ở cổ, nách, vú, bẹn,… thì càng không được chủ quan, xem thường.
Bất thường ở da
Da bỗng nhiên bị sẫm màu, ngứa và nổi các nốt đỏ có thể cảnh báo ung thư gan, thận hoặc buồng trứng. Trên da xuất hiện những nốt như nốt ruồi hoặc những vết loét không rõ nguyên nhân thì có thể là triệu chứng của ung thư da.
Những thay đổi bất thường trên da có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư - Ảnh: internet. |
Ho nhiều, khàn tiếng
Triệu chứng điển hình của ung thư phổi là ho khan, khàn tiếng, kéo dài trên 2 - 4 tuần. Mặc dù đã sử dụng thuốc điều trị nhưng tình trạng ho vẫn không khỏi, ngược lại, ngày càng trầm trọng.
Ho khan và khàn tiếng kéo dài có thể cảnh báo bệnh ung thư phổi, ung thư thanh quản hoặc tuyến giáp. |
Ngoài ra, nếu bị ung thư thanh quản hoặc tuyến giáp thì bạn cũng có thể xuất hiện các triệu chứng này. Để biết chính xác nguyên nhân và có hướng can thiệp kịp thời, việc cần làm ngay lúc này chính là đi thăm khám.
Chảy máu không rõ nguyên nhân
Tình trạng chảy máu khác nhau tùy vào bệnh, có thể là chảy máu âm đạo giữa các kỳ kinh, chảy máu khi đi tiểu tiện hoặc đại tiện, ho ra máu, nôn ra máu,… Bên cạnh đó là hiện tượng xuất huyết dưới da (dưới da có vết bầm không rõ nguyên nhân). Nói chung, tùy vị trí và mức độ xâm lấn của khối u đến các mạch máu và cơ quan mà sẽ có mức độ chảy máu khác nhau.
Mọi tình huống chảy máu bất thường đều không được xem nhẹ, nhất là khi nôn ra máu, ho ra máu,… Ảnh: internet. |
Bất thường về ăn uống, tiêu hóa
Nếu bạn cảm thấy mắc nghẹn ở cổ, khó nuốt và khi nuốt cảm thấy “vướng víu” thì không loại trừ nguyên nhân do ung thư lưỡi, vòm họng,… Trường hợp bị đầy hơi, trướng bụng, nôn và đau nhiều sau khi ăn có thể là các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa.
Thói quen đại tiện, tiểu tiện thay đổi
Ngoài những bất thường về tiêu hóa, nếu như các cơ quan bàng quang, tuyến tiền liệt hay tử cung, buồng trứng xuất hiện khối u thì sẽ dẫn đến sự thay đổi khi đại tiện, tiểu tiện. Cụ thể, bạn hay đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón. Ngoài ra là tiểu tiện liên tục, lắt nhắt; tiểu không tự chủ,…
Sụt cân không rõ nguyên nhân
Nếu chế độ ăn uống, tập luyện của bạn không thay đổi; lịch sinh hoạt và thói quen hàng ngày vẫn như bình thường nhưng lại sụt cân thì đừng chủ quan. Sụt cân từ 5kg trở lên mà không rõ nguyên nhân thường xảy ra với người bị ung thư tụy, dạ dày, thực quản, phổi,…
Mệt mỏi kéo dài
Người bị ung thư sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi và suy nhược. Nguyên nhân là do các khối ung thư vừa “hút” chất dinh dưỡng trong cơ thể, vừa tiết ra những chất làm rối loạn các hoạt động của cơ quan. Ngoài ra, mệt mỏi này cũng xuất phát từ việc người bệnh chán ăn, mất ngủ, thường xuyên bị đau nhức.
Những dấu hiệu trên có thể bắt gặp ở các bệnh lý thông thường, nhưng cũng có thể cảnh báo bệnh ung thư. Nhưng dù trong trường hợp nào thì bạn cũng nên đi khám để bác sĩ kiểm tra, tìm kiếm nguyên nhân, chẩn đoán bệnh và có phương án điều trị./.