Nguy cơ tử vong cao
Bệnh nhân Nguyễn Thị Th. (83 tuổi, Quảng Ninh) được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh trong tình trạng da, củng mạc mắt vàng sậm, đau bụng âm ỉ vùng mạn sườn phải và vùng thượng vị, mệt mỏi, ăn uống khó tiêu nhiều ngày.
Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy, bệnh nhân có khối u vùng đầu tụy, kích thước 26x45mm, bắt thuốc mạnh, chèn ép gây hẹp phần thấp ống mật chủ, đường mật phía trên giãn lớn. Sau khi hội chẩn liên khoa Ung bướu, Ngoại khoa và Thăm dò chức năng, các bác sĩ đã thống nhất phương pháp tối ưu nhất để giải quyết tình trạng tắc mật là thực hiện kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng- cắt cơ vòng, đặt stent đường mật...
Sau 1h30 phút, ca can thiệp đã thực hiện thành công, bệnh nhân ổn định. Ngay sau can thiệp bệnh nhân đã đỡ đau bụng, da niêm mạc đỡ vàng, tinh thần tỉnh táo, lạc quan vui vẻ, ăn uống ngon miệng. Sau 7 ngày điều trị bệnh nhân được ra viện.
Theo BS Nguyễn Văn Vĩnh, Khoa thăm dò chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, tắc nghẽn đường mật xảy ra khi đường ống dẫn mật bị tắc lại bởi một vật cản như sỏi, u đường mật, giun... Đặc biệt, tắc mật do ung thư gan, mật hoặc các khối u từ bên ngoài chèn vào như u đầu tụy, u đại tràng... khá thường gặp tại các bệnh viện lớn trong cả nước. Nhiều trường hợp được phát hiện khi ung thư giai đoạn tiến triển hoặc giai đoạn muộn, có xâm lấn di căn xa nên không còn chỉ định phẫu thuật triệt căn và tiên lượng bệnh rất xấu.
Tắc mật là tình trạng tắc đường bài xuất mật ở trong hay ngoài gan, làm mật ngấm vào máu, gây vàng da và niêm mạc, nhiễm độc hệ thống thần kinh, thay đổi sinh hóa... Khi có tắc mật sẽ dễ dẫn tới nhiễm trùng đường mật do vi khuẩn phát triển trong đường mật. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu gây thấm mật phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết, áp xe đường mật... nguy cơ tử vong rất cao.
Đặt stent đường mật- phương pháp can thiệp tối thiểu
Theo BS Nguyễn Văn Vĩnh, để điều trị tắc nghẽn đường mật, tùy vào tình trạng của người bệnh các bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau như điều trị nội khoa, phẫu thuật (mổ mở hoặc mổ nội soi) và can thiệp đặt stent đường mật qua nội soi mật tụy ngược dòng. Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng. Trong đó, phương pháp đặt stent đường mật là phương pháp can thiệp tối thiểu nhưng có hiệu quả cao, ít biến chứng, bệnh nhân tránh được phẫu thuật lớn, thời gian phục hồi sau can thiệp nhanh.
Đặt stent giải quyết tắc mật. |
BS Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, đây là một can thiệp tối thiểu nhưng có hiệu quả cao, ít biến chứng, thời gian phục hồi sau can thiệp nhanh. Giảm tắc nghẽn và giúp mật lưu thông tốt hơn sau khi đặt stent đường mật. Trường hợp bệnh nhân Th. bị vàng da tắc mật do sự chèn ép của khối u đầu tụy làm dịch mật ứ đọng và thấm vào máu gây tình trạng vàng da, đau bụng âm ỉ vùng mạn sườn phải và vùng thượng vị, mệt mỏi, ăn uống khó tiêu nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nhiễm trùng đường mật, nhiễm trùng huyết, thấm mật phúc mạc, thậm chí tử vong. Kỹ thuật đặt stent sẽ giúp giải quyết tình trạng tắc mật, làm mật thông trở lại với đường ruột giúp tình trạng lâm sàng bệnh nhân được cải thiện nhanh chóng.
Việc thực hiện kỹ thuật nội soi đặt stent mật tụy ngược dòng nói riêng và đặt stent nói chung được triển khai thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã giúp người bệnh không phải chuyển tuyến, giảm chi phí điều trị; góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn.