Thượng thư chọn rể
Về nhà, giấu mẹ, ông bán trộm một sào ruộng được ba mươi quan, lần đường tìm tới kinh đô rồi xin làm học trò của một bậc danh Nho. Ba năm sau, ông đã giỏi lắm, nhân đó, lấy cớ là học trò bị bỏ sót tên, lên xin quan huyện Hiệp Hòa được dự khảo thí.
Ông trúng ở huyện, rồi đi thi Hương và đỗ Giải nguyên. Xong, ông nhờ người về báo cho quan Thượng thư và nhắc, xin quan Thượng thư chớ sai lời ước cũ, rồi về kinh đô dự thi Hội. Bấy giờ, con gái quan Thượng thư tuy đã có mấy đám đến dạm hỏi, nhưng cô chưa ưng ý ai, vẫn còn ở nhà.
Khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính đời nhà Mạc, lúc đó ông mới 27 tuổi, đỗ Thám Hoa. Hôm vinh quy bái tổ, ông trở về và làm đám cưới ngay giữa sân nhà quan Thượng thư.
Hình minh họa
Người làng ai cũng cho là một vinh hạnh hiếm có. Sau, ông làm quan, được phong tới chức Lễ bộ Tả thị Lang, tước là Hoàng Phúc hầu.
Lại nói về vị Thượng thư nọ; ấy là Tiến sĩ Nguyễn Doãn Địch (1490 – ?), người xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa; năm 40 tuổi, ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa (Hoàng giáp) khoa Kỷ sửu niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529) đời Mạc Đăng Dung, làm quan đến chức Thượng thư Lại bộ, Tế tửu Quốc Tử giám.
Câu chuyện trên cho thấy, Nguyễn Doãn Địch là một tiến sĩ, trọng danh dự, giữ chữ tín, người biết nhìn nhận, đánh giá, biết động viên ý chí vươn lên của con người, nhất là khơi dậy lòng tự trọng của thế hệ trẻ. Bởi vậy, ông đã góp cho đất nước một danh nhân khoa bảng tài dị trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Đó là người con rể đáng kính Hoàng Sầm.
Thông minh và ngang tàng
Bàn về Hoàng Sầm, các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa đã viết: Phận dân phu mà dám cả gan liếc trộm cô tiểu thư đang chễm chệ trên kiệu do chính mình khiêng đi, ngang tàng đến thế kể cũng đã là lạ. Liếc rồi cầm lòng không được, ép mẹ phải đi hỏi cưới cô tiểu thư cho mình.
Thời ấy, hành vi ấy, Hoàng Sầm quả thật là đã làm chuyện… động trời. Ôi, thân trai nhà nghèo, gia sản ruộng nương chỉ có vài sào, tư trang thì quần đùi vỏn vẹn một chiếc… vậy mà vẫn dũng cảm sụp lạy trước thềm để xin hỏi cưới tiểu thư con gái của quan Thượng thư, chuyện này không chỉ là hiếm có mà phải nói là cổ kim chưa từng thấy mới đúng.
Song le, ngang tàng là Hoàng Sầm mà tự tin kỳ lạ cũng chính là Hoàng Sầm. Chưa học thì tin chắc rằng mình học được, khi đã học rồi thì tin chắc rằng mình thi đỗ, đỗ rồi thì tin chắc tiểu thư con quan Thượng thư sẽ chịu lấy mình.
Và, thông minh thay, Hoàng Sầm! Người ta học mòn sách một đời mà thi hỏng vẫn hoàn thi hỏng, còn ông, học chỉ ba năm đã đậu Thám hoa, hình như đầu ông nhận chữ chẳng khác gì đất quê ông đang khi hạn hán gặp mưa, thấm nhanh, thấm nhiều không thể tả được.
Nhưng nói cho ngay, con người ngang tàng, tự tin và thông minh đến kỳ lạ ấy, làm gì cũng đều rất nhanh chứ đâu có phải chỉ riêng chuyện học hành. Xem việc ông cưới cô tiểu thư con quan Thượng thư Nguyễn Doãn Địch hồi hưu, ắt cũng đủ thấy rồi.
Nguyễn Thành Trung