Vị ẩn sĩ tài cao đức trọng
Trong lịch sử Việt, cùng với Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu… Thì La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp là cái tên được lưu danh bởi tài cao đức trọng. Ông là một danh sĩ nổi tiếng đời hậu Lê và Tây Sơn, sinh ra trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc.
Tượng La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp
Sinh thời, ông có rất nhiều tên tự , tên hiệu, do ông tự đặt hoặc do người đương thời xưng tặng, chẳng hạn như: Khải Xuyên (có sách chép là Khải Chuyên), Hạnh Am, Điên ẩn, Cuồng ẩn, Lạp Phong cư sĩ, Hầu Lục Niên, Lam Hồng dị nhân, Lục Niên tiên sinh, La Giang phu tử,…
Riêng vua Quang Trung gọi ông là La Sơn phu tử (La Sơn tiên sinh ).
Năm 20 tuổi (1743), Ông đỗ thủ khoa kỳ thi Hương, được bổ làm Huấn Đạo rồi thăng Tri Huyện Thanh Chương (Nghệ An). Làm quan giữa thời buổi nhiễu nhương, Đàng Ngoài rối loạn, Nguyễn Thiếp ngày càng chán ngán.
Năm 33 tuổi ông được cử làm quan trông coi việc học ở địa phương. Chứng kiến nhiều điều trái tai gai mắt, ông lui khỏi chốn quan trường.
Vua Quang Trung tiến quân ra bắc với danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh (Ảnh minh họa).
Sau 13 năm, làm quan ông lui về lập trại Bùi Phong dưới chân núi Thiên Nhẫn ở Nam Đàn, làm vườn và dạy học bắt đầu sống cuộc đời ẩn cư với danh hiệu La Sơn Phu Tử.
Mặc dù là một “ẩn sĩ” nhưng uy danh của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp vẫn lan tỏa khắp nước. Trước đó, chúa Trịnh Sâm cũng mời ông ra giúp sức nhưng đều bị từ chối.
Cho đến sau này khi Nguyễn Huệ kéo đại quân Tây Sơn ra Bắc quyết chiến với quân Mãn Thanh cũng nhiều lần quyết tâm chiêu mộ Nguyễn Thiếp về nhà Tây Sơn.
Ba lần chiêu mộ
Năm 1786, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ tiến ra Thăng Long để thực hiện kế hoạch “Phù Lê, diệt Trịnh”.
Khi đó Trần Văn Kỷ đóng vai trò quân sư cho Nguyễn Huệ, lần tiến đánh này với mục đích nhằm thu phục lòng dân, đặc biệt là tầng lớp sĩ phu Bắc Hà, thì ắt cần phải chiêu mộ một người tài đức vẹn toàn, chính vì vậy mà Trần Văn Kỷ đã tiến cử La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp với Nguyễn Huệ.
Vua Quang Trung viết thư chiêu mộ Nguyễn Thiếp.
Sau khi nghe, Nguyễn Huệ đồng ý ngay và quyết tâm “chiêu mộ” bằng được Nguyễn Thiếp về với nhà Tây Sơn.
Ngày mồng 4 tháng giêng năm 1787, Nguyễn Huệ cắt cử hai viên quan ở Bộ Binh Bộ Hình mang thư đến mời Nguyễn Thiếp. Trong thư có đoạn: “Đã lâu nay nghe tiếng Phu tử, đức tuổi đều cao, kinh luân sẵn có. Chính tôi muốn tới nhà gặp mặt, để thỏa lòng tìm kiếm khó nhọc…Chớ làm tôi thất vọng, mong Phu Tử lượng cho.”.
Vốn đã không màng thế sự và cũng chưa hiểu Nguyễn Huệ là người thế nào, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã viết thư từ chối vô cùng khéo léo:
“…Tôi xét ra tự thấy có nhiều chỗ thiếu, nên cảm mà thẹn thùng khôn xiết. Nhưng lấy nghĩa mà cân nhắc, thì tôi không ra có ba lẽ:
Lượng sức, dò phân, trên không dám mong được như Y, Khương; dưới không sánh kịp Gia Cát. Gặp thời tiết gió bụi, nếu ra làm việc thì tay run, chân rối. Rốt cuộc, ắt làm lâm nhà nước, nhục cha mẹ. Không ra, đó là lẽ thứ nhất.
Từ xưa, con đầu không ra làm quan. Huống chi, cha mẹ, anh em tôi đều mất. Nhà thờ, phép nhà, cốt ở một tôi. Không ra, đó là lẽ thứ hai.
Lệ xưa, làm quan bảy mươi tuổi về hưu. Bản triều trọng kẻ già, nên sáu mươi nhăm tuổi đã cho viện lộ xin nghỉ. Đáng về mà lại ra, thì sẽ mang tội rất nặng. Không ra, đó là lẽ thứ ba.
Mang ba điều không tốt, đối với nhà nước không ích được mảy may. Dốt nát, vụng về rất mực. Như thế sao mà xứng với tấm thịnh tình của Đại Nguyên soái…”.
Lời ủy thác vô cùng kín kẽ của Phu Tử khiến cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ vô cùng khâm phục, tuy nhiên lại càng muốn chiêu mộ Nguyễn Thiếp ra chung tay góp sức.
Đến tháng 8 năm 1787, Nguyễn Huệ lại cử quan Lưu Thủ là Nguyễn Văn Phương đưa thư mời La Sơn Phu Tử.
Lời lẽ trong thư lần này thống thiết, chân tình:
“Phu tử là danh sĩ hơn đời: vì định bụng không chịu cùng quả đức chứng khởi thiên hạ, nên mới nêu ba lẽ không ra. Nhưng nay thiên hạ loạn như thế này, sinh dân khổ như thế này, mà Phu tử nhất định ẩn không ra, thì sinh dân thiên hạ làm sao…
Mong Phu tử nghĩ đến thiên hạ với sinh dân, vụt dậy đi ra, để cho quả đức có thầy mà thờ, cho đời này có thầy mà cậy. Như thế mới ngõ hầu khỏi phụ ý trời sinh ra kẻ giỏi”.
Tuy nhiên, vẫn một lòng ẩn dật không màng thế sự, La Sơn Phu Tử viết thư từ chối: “Vương thượng muốn hậu đãi quá cao. Đối với cái thịnh danh ấy, sự thật khó mà xứng được. Thế đạo trọng trách ấy, sao đủ gánh vác được. Gần đây, mình lại rất suy hèn, thường nghe đau lưng, đau gối.
Từ tiện sinh đến cả nhà, không có ngày nào là không thuốc thang. Bối rối thay! Tự mình cứu mình chưa xong, sao cứu nỗi được dân? Mong Vương thượng thôi đừng nghe người ta bàn quá, và để tiện sinh được ở yên cho trọn vẹn….”
Đền thờ La Sơn Phu tử.
Nguyễn Huệ nhận được thư hồi đáp nhưng vẫn không cam lòng bỏ qua nhân tài. Sau đó không lâu, lại cho người của Thượng thư bộ hình dâng lá thư cầu hiền thứ 3:
“… Tuy Phu Tử không thèm tới, nhưng lòng dân đen trông ngóng, Phu Tử nỡ ngơ lảng được sao?…..Mong Phu tử soi xét đến tấm lòng thành, vụt dậy mà đổi bụng; lấy lòng vì Nghiêu Thuấn quân dân mà ra dạy bảo, giúp đỡ….”.
Lời lẽ tuy thống thiết cảm động lòng người nhưng lại một lần nữa bị La Sơn Phu Tử từ chối. Có vậy mới thấy, chiêu mộ được người tài đức trong thiên hạ xưa nay vẫn luôn là việc khó làm của các bậc đế vương.
Bậc hiền tài ghi danh muôn thưở
Cảm phục trước tấm lòng của Nguyễn Huệ, cuối năm 1788 La Sơn Phu tử đã dâng kế sách giúp đánh đuổi quân Thanh và rất hợp với ý Nguyễn Huệ.
Sau ngày đại thắng, Quang Trung không quên ơn La Sơn Phu Tử. Trong bức thư gửi Nguyễn Thiếp, nhà vua thổ lộ: “Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Tiên sinh đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Tiên sinh hẳn có thế thật”.
Đồng thời, ngài ban chiếu cấp cho Nguyễn Thiếp thuế xã Nguyệt Ao để làm tuế bổng và ban lộc dưỡng lão cho ông.
Đến năm 1791, vua Quang Trung ban chiếu lập “Sùng chính Thư viện” ở nơi ông ở ẩn và mời ông làm Viện trưởng.
Kể từ đó, ông hết lòng chăm lo việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm để dạy học và phổ biến trong dân. Như vậy có thể nói, việc La Sơn Phu Tử dịch chữ Hán sang Nôm có đóng góp quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền dân tộc ta, thoát khỏi sự lệ thuộc vào chữ Hán trước đó.
Hoàng Bách (tổng hợp)