Bảng nhãn Đỗ Uông và những giai thoại – kỳ 3: Không phục Trạng nguyên

Không phục Trạng nguyên, Đỗ Uông và Phạm Trấn đã 3 lần thi làm thơ rồi ông mới tâm phục khẩu phục. Về sau, cùng làm quan hai ông thường ngồi uống rượu ngâm vịnh thơ văn.

Tranh tài (hình minh họa).

Nhả ngọc phun châu vẫn không được đỗ Trạng nguyên

Đỗ Uông bèn tháo chỉ ngũ sắc tha cho, con yêu bèn thổ ra một viên ngọc tặng ông. Đỗ Uông bỏ vào mồm nuốt chửng, từ đó về sau học một biết mười, văn chương càng xuất sắc như nhả ngọc phun châu khiến Phạm Trấn cũng không theo kịp.

Thế nhưng đúng như lời nói của con yêu tinh trong giấc mơ và trong đời thực, khoa thi năm Bính Thân (1556), Phạm Trấn đỗ Trạng nguyên còn Đỗ Uông chỉ đỗ Bảng nhãn, kém một bậc.

Về sự kiện này, tương truyền vào đến kỳ thi, khi đọc đề, Đỗ Uông thấy mình đều thuộc cả nên múa bút viết và chắc mẩm Trạng nguyên sẽ thuộc về mình.

Còn Phạm Trấn khi đó đang trong lều bỗng nghe loáng thoáng bên tai có tiếng người nói tự xưng tên, một người là Hàn Kỳ, một người là Đông Phương Sóc. Họ đọc cho Phạm Trấn viết bài, nhưng vì thấy ông viết không kịp nên Đông Phương Sóc nói với Hàn Kỳ: Ta phải làm cho Uông ốm để giảm sức viết đi.

Thế là Đỗ Uông đang làm bài bỗng đau bụng, không thể viết được đành nằm rên rỉ. Mãi đến khi Phạm Trấn viết gần xong bài thì Đỗ Uông mới khỏi, vì thuộc bài nhưng không còn thời gian nên bài của Đỗ Uông hơi kém.

Tuy sức học của Đỗ Uông hơn nhưng Phạm Trấn đỗ Trạng nguyên, còn Ðỗ Uông chỉ đỗ Bảng nhãn là như vậy, nên ông không phục. Trấn, sức học vốn kém Uông, nên hí hửng lắm, bảo: “Giờ ta mới đè được thằng Uông đây!”

3 lần thi làm thơ

Uông tức lắm. Lúc vinh quy, Trạng, Bảng cùng về một đường. Bảng không chịu nhường Trạng đi trước, cứ dóng ngựa đi ngang hàng và giữa hai người diễn ra một cuộc thi thơ.

Khi đến làng Hoạch Trạch, dân chúng kéo nhau ra xem và xin thơ để đề vào chiếc cầu ở đầu làng. Ðó là chiếc cầu ngói hơn mười gian. Bảng, Trạng liền thách nhau qua bảy gian phải vịnh xong bài thơ; ai xong trước đi trước, không được tranh nhau.

Lần ấy Trấn thắng, ai cũng chịu tài, chỉ Uông không phục, cho là thơ đã làm sẵn từ bao giờ. Rồi, lại dóng ngựa đi ngang hàng. Ðến làng Minh Luận, có người mới làm xong nhà, ra đón đường xin một bài thơ mừng nhà mới. Trấn đọc luôn: Năm năm thêm phú quý, Ngày ngày hưởng vinh hoa, Xưa có câu như thế, Nay mừng mới làm nhà.

Uông đã có vẻ hơi chịu tài của Trấn. Ðến cầu làng Ðoàn Lâm, tục gọi là Cầu Cốc, trong cầu có cô bán hàng tên Loan; hai người lại thách nhau làm bài thơ Nôm lấy đề là “Cô Loan bán hàng cầu Cốc”. Hạn mỗi câu phải có hai giống chim, qua cầu phải xong, ai xong trước đi trước, nhất thiết không được tranh nhau nữa.

Trấn ngồi trên lưng  ngựa, đọc ngay rằng: Quai vạc đôi bên cánh phượng phong, Dở giang bán chác lựa đồ công, Xanh le mở khép nem hồng mới, Bạc ác phô phang rượu vịt nồng.

Bảng bấy giờ mới thực sự chịu phục Trạng là nhanh trí và nhường cho Trạng đi trước, không tranh dành nữa, Đỗ Uông chịu phục là Phạm Trấn hơn mình.

Xuất khẩu thành chương, nếu không có quỷ thần trợ lực thì làm sao có được tài như thế! Nói rồi ghìm cương ngựa, nhường cho Trạng đi trước.

Cùng làm quan trong triều, Trấn và Uông thường ngồi uống rượu ngâm vịnh thơ văn. Một hôm, ngà ngà say, hai người mới thi làm bài thơ có đầu đề là ‘Tửu tán’.

Đỗ Uông xướng rằng: Có rượu cúc vàng dùng cúc vàng, Không có cúc vàng, uống rượu lửa. Uống đều say sưa, Gặp chăng hay chớ.

Phạm Trấn đáp lại: Rượu vàng thì uống, Rượu hoả thì thôi. Ví chẳng như lời, Trời đất, trăng sao.

Đọc hai bài thơ đó, nhiều người cho rằng ý của hai ông khác nhau.

Quả nhiên sau này nhà Mạc mất, đến đời Lê Trung hưng, Đỗ Uông xin quy thuận trước nên được làm đến Thượng thư bộ Hộ còn Phạm Trấn bị ép phải làm quan nên Đỗ Uông cho là không phù tá nhà Lê, vẫn nhớ họ Mạc mới đoạn tuyệt quan hệ.

Phạm Trấn chỉ làm đến chức Thừa chính sứ một thời gian rồi xin nghỉ về ở ẩn.

Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top