Chả hiểu từ bao giờ người ta có cách đánh giá con người qua những thứ bề ngoài như thế. Quần áo, xe cộ, nhà cửa… nhiều khi còn quan trọng hơn cả trí tuệ, hơn cả lòng tốt.
Tranh minh họa
Và cũng chỉ vì cách đánh giá ấy của người đời mà nhiều người tìm mọi cách bon chen, bất chấp tất cả kiếm cho thật nhiều tiền để mua được cái xe sang hơn, xây cho được cái nhà to hơn…
Trên con đường ven biển ở Hạ Long có một dãy phố toàn biệt thự, đẹp như mơ. Chúng tôi ngồi trong quán cà phê gần đó, ngắm, thậm chí có người còn chụp ảnh những ngôi nhà đẹp ấy. Thỉnh thoảng cái cánh cổng đồ sộ ấy mở ra để những chiếc xe rất sang trọng chạy vào, hé mở một chút cuộc sống của những con người dư thừa về vật chất.
Rất nhiều người như chúng tôi, ngưỡng mộ ngôi nhà của họ, lối sống của họ. Bất kể nguồn gốc khối tài sản đó của họ từ đâu mà ra. Không cần biết, trí tuệ hay nhân cách, đạo đức của họ có đáng để ta ngưỡng mộ như thế không.
Tôi cũng đã tới thăm nhiều người sống trong những căn hộ tập thể cũ. Ở đó mọi thứ đều cũ kỹ, chậm rãi và đơn giản. Chính ở những nơi như thế, tôi đã gặp được những người thực sự đáng ngưỡng mộ về cả trí tuệ và nhân cách.
Có lẽ vì thế mà mỗi khi đến đó, hít thở cái không khí âm ẩm, cũ kỹ ấy, tôi lại cứ có cảm giác yên tâm. Thứ nhất là vì nó vừa tầm với mình, ở đấy mình được là chính mình, không phải cố gắng quá sức, không bị cái cảm giác choáng ngợp làm cho hoang mang.
Thứ hai là mọi thứ đều chân thật, không giả dối, không sợ chỉ chớp mắt một cái là những thứ đẹp đẽ như lâu đài kia biến đi đâu mất.
Thế nhưng chỉ cần bước chân ra ngoài đường phố, mọi thông tin, hình ảnh đều quảng bá cho lối sống vật chất mà người ta tự phong cho là đáng sống.
Đáng sống là thế nào? Là khi con người thấy hài lòng với cuộc sống của mình về cả vật chất và tinh thần. Chứ không phải vứt bỏ đi tất cả, cả sự thanh thản của tâm hồn, để đổi lấy sự dư thừa về vật chất.
Thực ra, đánh giá một con người phải dựa trên sự đóng góp của người đó cho xã hội chứ không phải những thứ họ vơ vét được cho bản thân mình.
Minh Anh