Đánh bay các ổ nấm mốc trong nhà ngày mưa

y là thời điểm mưa nhiều nhất trong năm ở Bắc Bộ. Trời mưa kéo theo đó là các ổ nấm mốc phát sinh trong tủ quần áo, tủ giày, các mảng tường kín…

Trời mưa kéo theo đó là các ổ nấm mốc phát sinh trong tủ quần áo, tủ giày…

Chú ý các mảng tường kín

Các khu vực tường sau lưng tủ quần áo, tủ giày, sau lưng tủ lạnh, máy giặt… thường là những vị trí dễ bị nấm mốc tấn công nhất vào các ngày mưa.

Theo KS Phan Tùng Lâm, Trung tâm Tư vấn kiến trúc nội thất Decor (Hai Bà Trưng, Hà Nội), nguyên nhân là do tường bị thấm nhưng không khô được bởi kín, bí. Khi nấm mốc phát triển, chúng không những để lại các bẩn cho tường mà còn dễ làm bào tử nấm phát tán ra môi trường xung quanh gây ra những mối hại cho sức khỏe.

Vào mùa mưa, hãy kiểm tra những khu vực tường kín, bí và cải thiện chúng bằng cách chủ động. Ví dụ, kê tủ hoặc các đồ vật khác như tủ lạnh, máy giặt… cách tường một khoảng nhất định để tạo độ thông thoáng cho tường.

Hãy kiểm tra các chân tường ở những khu vực dễ tiếp xúc với nước để tránh nước tồn đọng. Khi phát hiện nấm mốc hãy xử lý ngay bằng các loại dung dịch khử trùng mạnh như nước giaven để tiêu diệt bào tử nấm.

Tuy nhiên, đối với những mảng tường bị nấm mốc tấn công thường xuyên bạn cần sự hỗ trợ của chuyên gia để xử lý triệt để.

Kiểm tra và thay mới vật liệu hút ẩm

Ông Nguyễn Thành Vinh, Công ty Vệ sinh Nhà sạch cho biết, vào những ngày mưa, khi mở tủ quần áo liền thấy mùi hôi mốc xộc thẳng vào mũi.

Đấy là do quần áo phơi không được nắng. Quần áo khi chưa đủ độ khô cần thiết lại bị nhét vào môi trường kín bí rất dễ sinh ẩm mốc.

Đặc biệt, nhiều gia đình chọn lựa sử dụng các loại thảo dược để hút ẩm, tạo mùi cho tủ quần áo như bã cà phê, bã chè… tuy nhiên, chính những vật liệu này hút ẩm từ quần áo lại là nguồn phát sinh nấm mốc…

Để tủ quần áo thơm tho vào ngày mưa bạn cần lưu ý một số điểm. Thứ nhất khi cất quần áo bạn phải kiểm tra xem quần áo đã khô chưa, nhất là các vị trí dày như cạp quần, túi quần… Để quần áo khô vào ngày mưa, bạn có thể tận dụng chế độ vắt cực khô của máy giặt để quần áo được vắt kiệt nước, sau đó phơi lên cao chỗ thoáng gió.

Ngoài ra, thời gian này trời tuy mưa gió nhưng nhiệt độ ban đêm lại tương đối cao, nhiều gia đình vẫn dùng điều hòa nhiệt độ, bạn có treo quần áo trong phòng, quần áo vừa khô vừa thơm tho. Với một lượng quần áo nhỏ, bạn có thể tận dụng bàn là, máy sấy tóc để hong khô.

Thứ hai, vào ngày mưa, bạn cần tránh giặt quá nhiều quần áo một lúc, hãy chia từng mẻ nhỏ, khô xong mới giặt tiếp giặt. Với những quần áo chờ giặt nên treo chúng lên để tránh hôi mốc.

Thứ ba, với các vật liệu hút ẩm như bã cà phê, bã chè… phải thường xuyên kiểm tra và thay mới.

Ngoài ra, khi tủ có mùi hôi cần phải nhanh chóng xử lý bởi nấm mốc phát triển rất nhanh. Hãy bỏ hết quần áo ra, sử dụng các chất tẩy rửa như cồn, giấm… để lau sạch và loại bỏ nấm mốc.

Ông Nguyễn Thành Vinh: Khi bị nấm mốc, bạn phải dùng các dung dịch tẩy rửa mạnh như xà phòng, nước giaven, giấm, rượu, cồn… mới có thể loại bỏ được nấm mốc. Ngoài ra, khi giặt, lau dọn, nhớ đeo găng tay, khẩu trang để tránh bị nấm mốc dính vào cơ thể.

Thấy một phải kiểm tra toàn bộ

Cùng với tủ quần áo, tủ đựng giày dép cũng là một ổ nấm mốc vào các ngày mưa gió. Lý do là bởi giày dép bị dính nước mưa, ẩm ướt bị tống thẳng vào tủ giày. Trong môi trường kín, bí của tủ, nấm mốc dễ dàng tấn công giày dép.

Ông Nguyễn Thành Vinh cho rằng, để ngăn chặn sự xuất hiện và phát sinh nấm mốc trên giày dép, bạn cần đảm bảo rằng đôi giày phải được lau sạch sẽ và để cho khô triệt để trước khi đem cất vào tủ. Nếu đi mưa về, bạn hãy làm khô bằng khăn mềm, quạt hoặc máy sấy tóc trước khi cho chúng vào tủ.

Nếu giày đã bị nấm mốc tấn công, bạn phải xử lý ngay, bằng cách giặt hoặc lau tùy vào từng loại giày, dép. Đặc biệt, khi bạn phát hiện một đôi giày bị nấm mốc, bạn phải kiểm tra toàn bộ giày dép trong tủ giày bởi nấm mốc phát triển rất nhanh.

Hãy bỏ hết giày dép ra bên ngoài để kiểm tra, xử lý, đồng thời vệ sinh toàn bộ tủ giày để loại trừ hết nấm mốc bằng nước pha cồn, rượu, giấm… Ngoài ra, khi hết mưa, khô, ráo, bạn nên mở cửa tủ giày để thay thế không khí ô nhiễm bằng không khí sạch sẽ hơn.

Sơn Hà

Theo Đời sống
back to top