Đánh bạc online: Thay đổi chiêu trò, quảng cáo công khai

Gần đây cơ quan công an liên tục triệt phá các đường dây đánh bạc online với quy mô lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhưng tại sao càng triệt phá, các đường dây này vẫn liên tục thay đổi chiêu trò, quảng cáo công khai, bất chấp những hậu quả pháp luật.

Hình thức đánh bạc online đã không còn quá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, nó đã để lại nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Đẩy nhiều gia đình vào cảnh nợ nần, ly tán… Nhiều người đã sa ngã không thể rút chân dẫn đến hoạt động tội phạm nguy hiểm như lừa đảo, cướp giật…

Đánh bạc qua mạng quy mô lớn bằng tiền điện tử

Bất chấp những quy định của pháp luật chỉ vì ôm mộng “giàu nhanh”, các đối tượng tội phạm vẫn liên tục thay đổi chiêu trò, cách thức quảng cáo, hoạt động ngày càng tinh vi, để lôi kéo các con bạc vào xới.

Gần đây cơ quan công an liên tục triệt phá, bắt giữ nhiều đối tượng nằm trong những đường dây đánh bạc online quy mô lớn chưa từng có lên đến hàng chục nghìn tỷ này.

Ngày 2/12, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an TPHCM phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an TPHCM vừa triệt phá thành công đường dây đánh bạc qua mạng quy mô lớn bằng tiền điện tử.

Các đối tượng cầm đầu: Huỳnh Long Bạch, Huỳnh Long Nhu, Nguyễn Đắc Quý, Phạm Thị Mai Ngân khi bị bắt.

Huỳnh Long Bạch, 30 tuổi, cùng 3 người khác gồm Nguyễn Đắc Quý (27 tuổi), Huỳnh Long Nhu (28 tuổi) và Phạm Thị Mai Ngân (36 tuổi) bị cáo buộc điều hành đường dây đánh bạc online có giao dịch lên đến 3,8 tỷ USD - tương đương 88.000 tỷ đồng.

Trước đó, cảnh sát đồng loạt khám xét nhiều địa điểm, bắt 59 người (trong đó có 13 nghi can "quan trọng") vừa có hành vi đánh bạc vừa điều hành đường dây này.

Mới đây nhất liên quan đến đường dây đánh bạc qua mạng, ngày 6/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sóc Trăng đã ra quyết định khởi tố 3 đối tượng là Nguyễn Thanh Nhàn (sinh năm 1980, trú tại TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng); Nguyễn Quốc Thái (sinh năm 1989, đăng ký thường trú tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và Từ Phi Hải (sinh năm 1987, trú tại TP Sóc Trăng). Với tội danh tổ chức đánh bạc online quy mô lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Vì sao vẫn mọc lên như nấm sau mưa?

Theo thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, khác với đánh bạc truyền thống, đánh bạc online không gây ồn ào, không cần địa điểm để các con bạc tập trung sát phạt như trước. Đơn giản người chơi chỉ cần lập tài khoản và nạp tiền thông qua nhiều hình thức khác nhau, sau đó chỉ cần dùng thiết bị có kết nối internet là có thể tham gia sát phạt. Gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, thu thập chứng cứ phạm tội của các đối tượng này. Vì khi lộ thông tin các đối tượng có thể đánh sập toàn bộ trang mạnh nhằm tiêu hủy chứng cứ.

Hình thức nạp tiền qua thẻ cào, hay chuyển khoản ngân hàng đã trở nên lỗi thời. Các đối tượng tổ chức các đường dây đánh bạc thực hiện hoạt động nạp rút tiền ở mức độ tinh vi hơn thông qua tiền điện tử như ETH, BTC… Hình thức này được xem là khá mới mẻ ở Việt Nam, thể hiện sự chuyển biến tinh vi trong hoạt động tội phạm.

Tiền điện tử có tính bảo mật và ẩn danh cao, các đối tượng đã lợi dụng các kẽ hở của pháp luật hiện tại để thực hiện mua bán, trao đổi từ tiền thật sang tiền điện tử, sau đó dùng tiền điện tử để thực hiện hành vi phạm tội.

khoi-to-17-doi-tuong-lien-quan-duong-day-danh-bac-nghin-ty-dong-lon-nhat-soc-trang-1-1-.jpg

Các đối tượng bị bắt do tổ chức đường dây đánh bạc online hơn 1.000 tỷ đồng tại Sóc Trăng. (Ảnh: Công an Sóc Trăng)

Nếu cơ quan chức năng không có những biện pháp kịp thời, cụ thể hóa bằng pháp luật nhằm kiểm soát giao dịch tiền điện tử thì đây vẫn được xem là miếng mồi béo bở cho hoạt động rửa tiền và các hoạt động tội phạm khác, đặc biệt là cờ bạc online.

Thiết nghĩ đã đến lúc Nhà nước cần nghiên cứu và ban hành hệ thống pháp luật rõ ràng nhằm kiểm soát thị trường tiền điện tử đang nở rộ tại Việt Nam hiện nay. Tránh những hình thức biến tướng, lợi dụng tiền điện tử vào các hoạt động tội phạm, để lại nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

Hiện tại ở nước ta, các Bộ luật và luật như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật Giao dịch điện tử… đều không có quy định cụ thể về giao dịch tiền ảo nhưng cũng không có quy định cụ thể cấm đối với các giao dịch sử dụng tiền ảo.

Đây được xem như kẽ hở trong hệ thống pháp luật hiện hành, khiến cho các hoạt động tội phạm dựa trên giao dịch tiền ảo ngày càng gia tăng. Đã có nhiều vụ án lớn được cơ quan chức năng triệt phá, bắt giữ nhiều đối tượng, nhưng nếu chưa được luật hóa cụ thể đối với tiền ảo, thì hoạt động tội phạm sẽ tiếp tục với các thủ đoạn tinh vi hơn.

Vì vậy, Chính phủ nên nghiên cứu một văn bản pháp luật cụ thể cho hình thức giao dịch tiền ảo để phù hợp với xu thế chung của toàn thế giới cũng như đặc điểm tình hình của nước ta.

Luật sư Nguyễn Hồng Hạnh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Theo Đời sống
back to top