Golden Fund – Vàng phái sinh, vòng vèo giao dịch, rủi ro tiền tỷ

Giao dịch vàng phái sinh ở Việt Nam tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, chưa được Nhà nước cho phép. Nhưng Golden Fund - một công ty tại Hà Nội – lại đang kêu gọi nhà đầu tư tham gia loại hình giao dịch này.

Tiền tỷ giao dịch vòng vèo

Theo tìm hiểu của phóng viên Khoa học và Đời sống, Công ty CP Đầu tư Golden Fund có đăng ký trụ sở tại số nhà 23, ngõ 18/36/3 Định Công Thượng, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội do ông Nguyễn Phồn Huy làm đại diện pháp luật.

Tuy nhiên, nhân viên của công ty này lại chỉ phóng viên (trong vai nhà đầu tư tiềm năng) đến địa chỉ 38TT5, Khu đô thị VOV, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Theo nhân viên của công ty này: “Do lúc đăng ký kinh doanh bên em chưa thuê được địa điểm mới này nên để ở Định Công, bây giờ chuyển lên đây cho tiện giao dịch”.

Đáng chú ý, địa chỉ này lại đề biển hai công ty khác, tuyệt nhiên không thấy tên Golden Fund ở bên ngoài.

Theo chỉ dẫn của nhân viên tên N., để giao dịch với công ty, khách hàng cần mở một tài khoản theo đường link mà nhân viên của công ty cung cấp. Sau đó, nạp tiền thông qua một công ty chuyên về thanh toán trực tuyến để tiến hành giao dịch.

Khi phóng viên thắc mắc tại sao không để khách chuyển tiền thẳng vào tài khoản của công ty mà lại phải qua bên trung gian, nhân viên này cho biết công ty làm như vậy để tránh mất phí nạp – rút tiền cho khách hàng. Nhưng phải chăng đây chỉ là những lời ngụy biện cho hoạt động kinh doanh trái với pháp luật của công ty này?

Khi giao dịch vàng phái sinh tại Golden Fund người chơi phải sẽ phải đặt cọc 7% trên tổng giá trị thực của hợp đồng.

Tại thời điểm mở hợp đồng giá sẽ được tham chiếu với giá vàng thế giới tại thời điểm đó tính theo Đô la Mỹ. Lợi nhuận cũng như thua lỗ cũng được tính theo tỉ giá của vàng thế giới tại thời điểm tất toán hợp đồng.

7ykgzaybq37jwevuityby3tsxbds3adhdlkhaw9v.png

Người chơi dễ dàng giao dịch trên website và app mobile của Golden Fun (ảnh lấy từ website vangphaisinh.vn).

Ví dụ, người chơi muốn mua 60 lượng vàng ở thời điểm hiện tại, sẽ phải chi xấp xỉ 3 tỷ đồng (1 lượng tương đương 50 triệu đồng – tính theo giá vàng thế giới). Nhà đầu tư đó sẽ cần đặt cọc 7% của 3 tỷ, tương đương 210 triệu đồng.

Nhân viên tên H. cho biết thêm, khi mở hợp đồng giao dịch, hợp đồng của khách hàng có giá trị trong 10 ngày tính cả thứ Bảy và Chủ nhật. Sau 10 ngày công ty sẽ tiến hành tất toán hợp đồng.

Nếu tại thời điểm tất toán giá vàng lên sẽ hàng sẽ nhận được đủ số tiền lãi của 60 lượng, còn nếu giá vàng đi xuống khách hàng chịu lỗ tối đa là khoản tiền 7% số tiền cọc của mình.

Ngoài ra, khách hàng còn có thể bán khống hàng ngàn lượng vàng trên sàn giao dịch của công ty này, cũng với số tiền cọc tương ứng khi khách hàng thực hiện lệnh mua.

Thoạt nhìn thì có vẻ dễ dàng và an toàn cho người chơi. Nhưng thực chất đây chính là miếng mồi dụ dỗ. Vàng là một loại hàng hóa đặc biệt có giá trị rất lớn, việc đặt cọc 7% giá trị hợp đồng để rồi thua lỗ liên tiếp sẽ khiến nhà đầu tư nhanh chóng “cạn túi”.

Giải thích mập mờ: Không cấm… phái sinh?

Khi phóng viên đặt câu hỏi về tính hợp pháp của hình thức đầu tư vàng phái sinh này, nhân viên công ty này liên tục khẳng định, Golden Fund kinh doanh đúng với pháp luật Việt Nam.

Phóng viên nhấn mạnh công ty đã được nhà nước cấp phép giao dịch vàng phái sinh hay chưa thì H. chuyển chủ đề sang vấn đề khác. Rằng việc nhà nước chỉ cấm giao dịch vàng phái sinh nguyên liệu, còn sản phẩm phái sinh đối với vàng trang sức như bên công ty đang thực hiện vẫn tuân thủ các quy định của pháp luật.

viber_image_2021-11-04_08-59-15-746.png

Quảng cáo giao dịch vàng phái sinh của Golden Fun (ảnh chụp từ website: vangphaisinh.vn - trang web của công ty Golden Fund).

Tại Việt Nam, hàng hóa được giao dịch trên thị trường vàng đã được quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (sau đây gọi tắt là Nghị định 24/2012/NĐ-CP).

Bao gồm: Vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật; vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do NHNN tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ; vàng nguyên liệu là vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác.

Bên cạnh đó, Nghị định 24/2012/NĐ-CP còn định nghĩa hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản dưới hình thức giao dịch ký quỹ và giá trị ròng được định giá lại liên tục theo biến động của giá vàng.

Tuy nhiên, nghị định lại không có các quy định cụ thể sau đó. Do vậy, không có cơ sở pháp luật cho hình thức giao dịch vàng phái sinh.

Như vậy, có thể khẳng định, thị trường vàng Việt Nam hiện tại chỉ được phép giao dịch các loại hàng hóa là vàng vật chất, còn vàng chứng chỉ thì không được phép thực hiện, do không có quy định.

Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã quy định rõ hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và NHNN cấp giấy phép là hành vi vi phạm pháp luật.

Đối chiếu với hoạt động kinh doanh của Golden Fund, có thể nhận thấy công ty này hoàn toàn không có chức năng kinh doanh các sản phẩm vàng chứng chỉ.

Từ đây, đặt ra nghi vấn công ty này đã tự ý kêu gọi kinh doanh vàng phái sinh trên websites và app mobile là chưa đúng pháp luật hiện hành?

Theo Luật sư Vũ Nguyệt – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội: Thị trường vàng hiện nay tại Việt Nam chỉ được phép giao dịch vàng vật chất. Hoạt động kinh doanh vàng phái sinh hiện nay ở Việt Nam là không được phép. Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã quy định rõ hoạt động kinh doanh vàng khác (ngoài vàng vật chất) khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng nhà nước cấp giấy phép là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Đời sống
back to top