Dàn “sao AI” Việt Nam

(khoahocdoisong.vn) - Họ đều là những ngôi sao ưu tú, đam mê và đầy hoài bão tại những lab công nghệ hàng đầu thế giới. Điều gì đã khiến các nhà khoa học “từ bỏ” môi trường nghiên cứu ở đỉnh cao thế giới trở về Việt Nam hội tụ tại VinAI Research? Vì tất cả họ đều có cùng một tầm nhìn rộng lớn về tương lai của AI Việt Nam.
 

Những tài năng AI đẳng cấp thế giới

Sự kiện TS Bùi Hải Hưng - một “bộ óc” hàng đầu thế giới về máy học và trí tuệ nhân tạo, lừng lẫy thung lũng Silicon trở về Việt Nam đã thu hút sự chú ý của giới khoa học. Trong vòng chưa đầy 2 tháng kể từ khi thành lập, với cương vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo AI - VinAI Research, TS Bùi Hải Hưng đã tập hợp được một đội ngũ các nhà khoa học AI “đình đám” từ những viện nghiên cứu lớn hàng đầu thế giới. Trong số 10 nhân sự đầu tiên có tới 3 nhân sự đến từ thung lũng Silicon, 3 nhân sự từng được giải Toán quốc tế, các nhân sự khác đều có những thành tích đáng nể trong chuyên môn. Đến nay, sau hơn 2 năm, VinAI đã thu hút và tạo dựng một đội ngũ gần 200 nhà nghiên cứu tài năng. “Thật may mắn, chúng tôi có cùng một tầm nhìn rộng lớn về tương lai của AI, cùng đam mê và hoài bão mở ra những chân trời mới trong nghiên cứu ứng dụng AI” - TS Bùi Hải Hưng, Viện trưởng VinAI Research chia sẻ.

Hưởng ứng “ngọn cờ” của TS Bùi Hải Hưng, 2 giáo sư trẻ Nguyễn Minh Hoài và Lưu Anh Khoa đều đang ở Mỹ đã trở về Việt Nam gia nhập VinAI ngay từ những ngày đầu thành lập. GS Nguyễn Minh Hoài (sinh năm 1982), huy chương vàng Olympic Toán quốc tế IMO năm 2000 hiện là Trưởng nhóm nghiên cứu, phòng Thị giác máy tính tại VinAI. Anh lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) và là một trong số 3 nhân sự đầu tiên của VinAI từng làm việc tại môi trường thuộc Top ở thung lũng Silicon. GS Nguyễn Minh Hoài từng là Trợ lý giáo sư khoa Khoa học máy tính tại Đại học Stony Brook (Mỹ); từng công tác tại Đại học Oxford (Anh). Khi gặp TS Bùi Hải Hưng, họ nhanh chóng đến với nhau nhờ những điểm chung lớn hướng về Việt Nam, cùng chia sẻ những khát vọng chinh phục mục tiêu mới.

Cùng trở về Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập VinAI có TS Lưu Anh Khoa. TS Lưu Anh Khoa là Giáo sư Đại học Arkansas (Mỹ), cựu Giám đốc Dự án Cylab CMU. Postdoc CMU (Mỹ), điều hành nhóm nghiên cứu phân tích sinh trắc học tham gia dự án trị giá 1 tỷ USD của FBI xây dựng Hệ thống Nhận dạng Thế hệ mới (NGI). NGI bao gồm tiến trình quét tròng đen, phân tích ADN và nhận dạng giọng nói – với mục đích cải thiện hoạt động chống khủng bố và truy bắt tội phạm.

Hàng loạt những tên tuổi khoa học AI về nước hội ngộ tại VinAI tiếp sau đó có một “ngôi sao” đáng chú ý, đó là GS Phùng Quốc Định. Anh hiện là nhà khoa học nghiên cứu chính cấp cao của VinAI Research, Giám đốc Nghiên cứu của khoa Khoa học Dữ liệu và AI tại Đại học Monash (Úc). Anh là một chuyên gia nghiên cứu về học máy, học sâu, vận chuyển tối ưu, mô hình Bayes và đồ họa. Anh đã xuất bản hơn 250 bài báo về nghiên cứu và ứng dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), thị giác máy tính, sức khỏe kỹ thuật số, an ninh mạng và chứng tự kỷ... Anh từng là Nhà khoa học trưởng về AI của Tr Trust Social - một công ty AI Fintech cung cấp các giải pháp Nhận dạng kỹ thuật số và eKYC.

Một điều dễ dàng nhận thấy khi nhìn vào hồ sơ của các nhà khoa học ở VinAI đó là những con người luôn nỗ lực đứng đầu trong lĩnh vực mình theo đuổi. Bên cạnh những giáo sư đình đám ở thung lũng Silicon, không thể kể hết dàn tiến sĩ, phó giáo sư tên tuổi ở nhiều nơi trên thế giới trở về gồm: TS Phạm Tùng, Đại học Melbourne, huy chương bạc IMO; TS. Bùi Toàn chuyên gia hình ảnh y tế, thị giác máy tính (từng làm dự án Postdoc UNC, Mỹ); TS Trần Tuấn Anh (PhD USC, từng làm cho Amazon US); TS Hứa Bình Sơn (PhD NUS, từng làm tại Đại học Tokyo; TS Nguyễn Quốc Đạt (PhD Macquarie, từng làm tại Đại học Melbourne)...

Các chuyên gia hàng đầu về AI thế giới cho biết: Họ quay về vì muốn hỗ trợ các bạn sinh viên Việt Nam đi đúng hướng, từ kinh nghiệm của bản thân để giúp các bạn đi tiếp xúc với những điều mới mở ra tương lai tốt hơn.
Các chuyên gia hàng đầu về AI thế giới cho biết: Họ quay về vì muốn hỗ trợ các bạn sinh viên Việt Nam đi đúng hướng, từ kinh nghiệm của bản thân để giúp các bạn đi tiếp xúc với những điều mới mở ra tương lai tốt hơn.

Top AI trong khu vực

Theo TS Bùi Hải Hưng, khi ông giương ngọn cờ “quay trở về Việt Nam, đến Việt Nam, làm việc ở Việt Nam” nghe có vẻ hơi ngược chiều, nhưng vẫn được đông đảo các nhà khoa học ủng hộ. Sự ủng hộ không chỉ đến từ cam kết đầu tư dài hạn, với tổng số tiền hơn nghìn tỷ đồng của Vingroup mà là chung một tầm nhìn, một sứ mệnh góp phần xây dựng, phát triển nền khoa học Việt, từ chất xám Việt để tạo ra những sản phẩm “make in Việt Nam” tầm cỡ thế giới.

“Khi về Việt Nam, tôi tạo ra ảnh hưởng và tác động tích cực tới tiến trình nghiên cứu AI tại quê hương. Việc đó lớn hơn, ý nghĩa hơn khi tôi ngồi ở Google Deepmind (Mỹ). Nhiều người như anh Hoài, anh Khoa, anh Định... đều nhận thấy điều đó và trở về vì chung mục tiêu đó!” - TS Bùi Hải Hưng chia sẻ.

TS Nguyễn Minh Hoài - người có nhiều năm làm việc tại thung lũng Sillicon cho biết: “Lúc đầu cũng có lo ngại khi quyết định trở về nước, nhưng tôi rất bất ngờ về tốc độ và sự chuyên nghiệp của Vingroup. Những yêu cầu đưa ra đều được các bộ phận trong tập đoàn xử lý rất nhanh, đủ và mạnh. Chúng tôi được hỗ trợ rất tốt trong tiến trình nghiên cứu. Ở đâu chúng tôi cũng làm công việc nghiên cứu của mình thì tại sao không về Việt Nam để giải quyết những bài toán của Việt Nam sau đó đẩy vấn đề lên cộng đồng quốc tế để cùng giải các bài toán này”.

TS Lưu Anh Khoa cũng cho hay: “Sau 15 năm làm việc tại nước ngoài, tiếp xúc với nhiều sinh viên giỏi và tài năng trên toàn thế giới, tôi thấy sinh viên Việt Nam không hề thua kém sinh viên quốc tế. Nhưng các bạn sinh viên quốc tế có những chuẩn bị tốt hơn nên con đường đi nhanh tới đích hơn. Vì lẽ đó, tôi quyết định về đầu quân cho VinAI để có thể hỗ trợ nhiều hơn cho sinh viên Việt Nam, mở ra tương lai tốt hơn cho các bạn trẻ”.

Theo TS Bùi Hải Hưng, muốn phát triển AI phải có đủ 4 yếu tố: Nhân sự chất lượng và đủ số lượng; đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu; đào tạo thế hệ trẻ chuyên về AI để tiếp nối; kết nối giữa nghiên cứu và ứng dụng, tạo ra được sản phẩm. Hiện lực lượng nghiên cứu AI người Việt Nam rất mỏng. Một trong những trở ngại là họ chưa có môi trường để thể hiện và bệ phóng để phát huy, dù tất cả đều trẻ, tài năng, thông minh. Với tốc độ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo Việt Nam được dự báo sớm vươn lên tầm cao mới, góp phần cùng thế giới giải quyết các thách thức thế kỷ.

Tháng 5/2020, VinAI trở thành một trong những đơn vị đầu tiên trên thế giới công bố nghiên cứu thành công công nghệ nhận diện dùng khẩu trang.
Tháng 5/2020, VinAI trở thành một trong những đơn vị đầu tiên trên thế giới công bố nghiên cứu thành công công nghệ nhận diện dùng khẩu trang.

Hiện nay, các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo của VinAI không chỉ dừng ở nghiên cứu công nghệ đơn thuần, mà đã được ứng dụng trong cuộc sống hiện đại nói chung. Ngoài những thành công trong nghiên cứu cơ bản, đội ngũ VinAI cũng đã giải quyết vấn đề tự động điều khiển robot trực tiếp từ các cảm biến camera, một công trình VinAI đóng góp với vai trò dẫn dắt và hợp tác với Đại học Stanford, Google và Facebook. Tháng 5/2020, VinAI trở thành một trong những đơn vị đầu tiên trên thế giới công bố nghiên cứu thành công công nghệ nhận diện dùng khẩu trang. Mới đây nhất, 3 sản phẩm công nghệ cho ô tô thông minh vừa công bố tại AIDay 2021 cho thấy VinAI đang gần tới với kỳ vọng “bắt nhịp và cạnh tranh trực tiếp với các công ty trên thế giới đã đi trước nhiều năm về phát triển xe tự hành”.

Thế giới đã dần biết đến những nghiên cứu AI của Việt Nam từ nỗ lực của VinAI. Với đóng góp của VinAI, chỉ sau 2 năm, Việt Nam trở thành một ngôi sao đang lên trên bản đồ AI thế giới, vươn lên xếp thứ 27 trong số các quốc gia dẫn đầu về thành tựu nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và là đại diện thứ 2 của Đông Nam Á (cùng với Singapore) trong danh sách top 50 tên tuổi lớn về AI.

Theo Đời sống
back to top