Người dân nơi đây cho rằng, trồng cây nêu trước cổng, sân nhà ngày Tết để báo hiệu đất có chủ, ma quỷ không được dòm ngó, quấy nhiễu, giữ cho gia đình êm ấm, hòa thuận, bình an, mang lại may mắn cho gia chủ. Cây nêu thường được trồng từ ngày 23 tháng chạp đến mùng 7 tháng giêng hoặc ngày đốt vàng sẽ được hạ xuống.
Cây nêu được trồng trước cổng, sân nhà ngày Tết. |
Theo anh Trần Tình thôn 14A cho biết, bao năm xa quê vào làm kinh tế mới tại địa phương, để nhớ quê hương và giữ phong tục xa xưa thì mỗi năm Tết đến, ngày 23 tháng chạp anh thường dựng cây nêu trước cổng hoặc sân nhà rồi treo lồng đèn và trang trí đèn nháy với đủ sắc màu để đón Xuân về.
Cây nêu cao vút được người dân trang trí bắt mắt và treo cờ tổ quốc. |
Ý nghĩa cây nêu trong ngày Tết, có ý nghĩa thờ phụng thần linh, trừ ma quỷ và xua đuổi những điều xấu xa của năm cũ. Cây nêu cũng tượng trưng cho sự giao hòa giữa trời, đất và con người dưới sự che chở của thần linh. Ngoài ra cũng mong muốn giúp thế hệ sau biết thêm về truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, anh Tình cho biết thêm.
Những cây nêu được người dân trang trí bóng đèn led với nhiều màu sắc, lung linh về đêm. |
Cách làm cây nêu ngày Tết khá đơn giản. Cây tre làm nêu thường là một loại tre già, cao, thẳng, to, lóng tre đều và ở trên ngọn để nguyên một chùm lá tươi. Trên ngọn còn có thể buộc thêm một vài chiếc lá dứa để tượng trưng cho cả mây trời.
Những cây nêu có khắp ở các ngõ thôn, về đêm lung linh sắc màu |
Thân cây còn có thể được trang trí bằng các loại cờ, câu đối, đèn lồng, phong linh,… Dưới gốc sẽ rắc bột vôi trắng tạo thành từng vòng tròn hoặc là hình cánh cung. Đầu ngọn sẽ hướng ra phía cổng để xua đuổi tà ma.
Ngày nay phong tục dựng cây nêu vào ngày Tết đang dần mai một, người dân chủ yếu dựng cây nêu chỉ để mục đích là làm đẹp mà chưa hiểu hết về toàn bộ ý nghĩa tâm linh của việc làm này.