Theo khảo sát chất lượng cuộc sống của người bệnh do Diabcare châu Á thực hiện, hơn 80% người bệnh Việt Nam không tuân thủ việc tự theo dõi đường huyết; hơn 60% không tuân thủ chế độ luyện tập; gần 55% không tuân thủ chế độ ăn… Do vậy, thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên về thay đổi hệ thống can thiệp bệnh đái tháo đường, các chuyên gia y tế đã thống nhất một mô hình chăm sóc mới: Đó là trao quyền tự chủ và tự quản lý bệnh cho bệnh nhân.
Để triển khai mô hình này tại Việt Nam, Hội Nội tiết và Đái tháo Đường Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Pháp thông qua GS. Gérard Reach (Đại học Paris – Seine Saint-Denis) chia sẻ cách trao quyền cho bệnh nhân nhằm cải thiện việc tự quản lí bệnh của bệnh nhân ngay từ những ngày đầu, giúp giảm thiểu chi phí điều trị và những biến chứng nghiêm trọng trong điều trị bệnh lí này. Theo GS Reach, nếu trước đây, bác sĩ chữa bệnh cho bạn thì nay sẽ đưa cho bạn những thông tin cần thiết để bạn tự chữa bệnh cho mình. Mô hình này đã được triển khai áp dụng hiệu quả tại nhiều nước phát triển.
PGS.TS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết cũng cho rằng, để chống sốc cho bệnh nhân khi ngày đầu tiên biết mình nhiễm đái tháo đường, bác sĩ, điều dưỡng… đóng vai trò rất quan trọng trong việc động viên, chia sẻ với người bệnh về tính quan trọng của việc theo dõi bệnh tình chính mình. Bệnh nhân tự quản lý bệnh kết hợp điều trị tích cực ngay từ những ngày đầu tiên kết hợp với việc sử dụng các thuốc trong danh mục thuốc thiết yếu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đóng vai trò quan trọng trong cải thiện chất lượng và giảm chi phí điều trị.
Chiến đấu với bệnh đái tháo đường là một trận chiến lâu dài nên ngoài việc được bác sĩ tư vấn, động viên, người bệnh cần chủ động nâng cao nhận thức qua hệ thống thông tin hỗ trợ bệnh nhân tự quản lý bệnh trên website: ngaydautien.vn. Đây là địa chỉ cập nhật tài liệu trực quan cho bệnh nhân tự điều trị, các buổi giao lưu trực tuyến bệnh nhân với bác sĩ, đường dây nóng… giúp người bệnh không sốc, không thờ ơ với bệnh của mình.
Đức Vinh