Nhiều liều văcxin ngừa Covid-19 đã về đến Việt Nam. |
Bộ Y tế Việt Nam đã cấp phép có điều kiện về việc sử dụng văcxin Oxford-AstraZeneca cho nhu cầu phòng chống dịch Covid-19 tại nước ta. |
Văcxin Oxford-AstraZeneca phòng Covid-19 được Việt Nam phê duyệt theo phác đồ tiêm hai liều tiêu chuẩn cho người lớn từ 18 tuổi trở lên đã chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng là dung nạp tốt và có hiệu quả trong việc ngăn ngừa Covid-19 có triệu chứng. Không có trường hợp nhập viện hoặc trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng nào được ghi nhận trong số những người đã tiêm liều thứ hai sau 14 ngày.
Văcxin phòng Covid-19 của Oxford-AstraZeneca hiện đã được phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp ở Liên minh châu Âu EU, Vương quốc Anh và các quốc gia khác trên 4 châu lục.
Văcxin phòng Covid-19 của Oxford-AstraZeneca đã được thử nghiệm lâm sàng để xác định tính an toàn và hiệu quả với khoảng 60.000 người trên toàn cầu. Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3 ở Anh và Brazil cho thấy văcxin này có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh, không có trường hợp nhập viện hoặc trường hợp nghiêm trọng nào của bệnh được ghi nhận ở những người tham gia tiêm văcxin.
Hiệu quả của văcxin đạt đến 90% khi được tiêm nửa liều, sau đó là một liều đầy đủ cách nhau ít nhất 1 tháng. Ở phác đồ tiêm 2 liều đầy đủ cách nhau ít nhất một tháng, hiệu quả của văcxin là 62%. Phân tích kết hợp từ cả hai chế độ dùng văcxin cho kết quả trung bình là 70%. Các thử nghiệm đều không ghi nhận trường hợp nghiêm trọng nào liên quan đến văcxin và văcxin sử dụng được dung nạp tốt trên cả hai chế độ dùng.
Kết quả nghiên cứu thực hiện này đã vượt quá mong muốn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vì theo tổ chức này chỉ cần văcxin đạt hiệu lực trên 50% là có thể bảo vệ được sức khỏe cộng đồng trước dịch bệnh.
Để bảo đảm an toàn tiêm chủng, gia đình cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị tiêm văcxin ở thời điểm trước, trong và sau quá trình tiêm chủng để cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác về tình trạng sức khỏe của người được tiêm, phải theo dõi chặt chẽ trong khoảng thời gian 72 giờ sau khi tiêm để phát hiện dấu hiệu bất thường nhằm có biện pháp xử trí can thiệp kịp thời và phù hợp. Sau khi tiêm văcxin, người được tiêm chủng sẽ được cấp giấy chứng nhận để sử dụng và xuất trình khi cần thiết trong công tác quản lý dịch bệnh.
Các nhà khoa học khuyến cáo nếu người nào đó có vấn đề liên quan đến tình trạng sức khỏe như tiền sử có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với văcxin, không nên tiêm văcxin Covid-19 nhưng đối với hầu hết tất cả mọi người lợi ích của việc tiêm văcxin sẽ vượt xa những rủi ro nếu có xảy ra.
Nếu bị đau chung quanh chỗ tiêm sau khi tiêm phòng văcxin có thể chườm nước đá lạnh hoặc uống thuốc giảm đau thông thường không kê đơn có thể khắc phục được. Để giảm bớt các triệu chứng giống như cúm sau khi tiêm phòng văcxin, có thể dùng thuốc hạ sốt hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
Văcxin phòng Covid-19 đã được thử nghiệm lâm sàng đầy đủ và xác định bảo đảm an toàn, vì vậy, tham gia thực hiện việc tiêm chủng văcxin đầy đủ là chủ động góp phần khống chế đại dịch đã gây ảnh hưởng rất nhiều mặt cho đời sống xã hội.
BS Nguyễn Võ Hinh (nguyên Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Thừa Thiên - Huế)
Mẫu của lô văcxin này sẽ được kiểm định theo quy định tại Bộ Y tế trước khi tiến hành tiêm chủng: Thực hiện một số thử nghiệm hóa lý trong vòng 03 ngày; thực hiện thử nghiệm đánh giá tính an toàn chung trên động vật thử nghiệm trong vòng 07 ngày; thực hiện các thử nghiệm công hiệu, nhận dạng phòng thí nghiệm trong vòng 15 ngày. Do đó, sớm nhất giữa tháng 3, văcxin Covid-19 sẽ chính thức được tiêm tại Việt Nam.
Bệnh viện trung ương, tỉnh/thành phố, bệnh viện và Trung tâm Y tế cấp huyện sẽ thực hiện tiêm cho các đối tượng là các cán bộ y tế của cơ sở, nhân viên tham gia phòng chống dịch tại cơ sở, các đối tượng đang điều trị tại bệnh viện và các đối tượng khác theo kế hoạch của địa phương.
Còn các trạm Y tế cấp xã sẽ thực hiện tiêm cho các đối tượng là nhân viên y tế, nhân viên tham gia công tác phòng chống dịch, lực lượng quốc phòng, công an, giáo viên trên địa bàn, những người cung cấp các dịch vụ thiết yếu, những người già trên 65 tuổi đang sinh sống trên địa bàn và các trường hợp mắc bệnh mãn tính không điều trị nội trú theo kế hoạch của địa phương
Bệnh viện, bệnh xá, cơ sở y tế… thuộc các bộ - ngành sẽ tiêm cho các đối tượng thuộc ngành mình và hỗ trợ cho ngành y tế để triển khai cho các đối tượng khác (trong trường hợp cần thiết). Tiêm chủng dịch vụ sẽ thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng theo chỉ đạo của Sở Y tế địa phương.
ThS.BS Nguyễn Hiền Minh (Giảng viên Bộ môn Miễn dịch - Sinh lý Bệnh, khoa Y, Đại học Y dược TPHCM - Bác sĩ thuộc Trung tâm Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM)