Số liệu từ Bộ Lao động thương binh và xã hội (LĐTB&XH) cho biết, BHXH đã hướng dẫn hỗ trợ cho 9.967.023 lao động (gồm 9.039.487 lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 630.545 người đã dừng tham gia), tương đương với 86% số người lao động đề nghị hỗ trợ, với số tiền là 22.889 tỷ đồng.
Tổng số tiền BHXH đã chi trả là 22.582 tỷ đồng, tương đương với 98% tổng kinh phí đã được giải quyết. Trong đó đại đa số chi trả cho tài khoản cá nhân.
Ngoài ra, BHXH cũng hoàn thành xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị, tương ứng 9,68 triệu lao động, với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.
Thống kê từ Bộ LĐTB&XH, dịch Covid - 19 đã tác động mạnh đến người dân trên cả nước. Trong quý I có 9,1 triệu người lao động từ 15 tuổi bị ảnh hưởng, quý II là 12,2 triệu và quý III là 28,2 triệu người.
Trong 28,2 triệu người này, có 4,7 triệu người bị mất việc (16,5%), 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh (51,1%), 12 triệu người bị cắt giảm giờ, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phienen (42,7%) và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.
Lương bình quân của người lao động còn 5,2 triệu đồng/tháng/người, giảm 877.000 đồng so với quý II/2021 và giảm 603.000 đồng so với 2020.
Tỉ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp trong quý III trên cả nước là 4,46%, tương đương hơn 1,8 triệu người tăng 1,86% so với quý trước.
Bộ LĐTB&XH nhận định, sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, về các tỉnh... làm giảm lượng lao động tại các trung tâm kinh tế phải giãn cách.
Giãn cách cũng khiến thị trường lao động bị chia cắt cục bộ, gây ra nguy cơ thiếu lao động ở một số vùng, ngành, lĩnh vực.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Lê Hùng Sơn, thủ tục hành chính trong chi trả bảo hiểm rất đơn giản, người lao động chỉ cần cung cấp số tài khoản cá nhân cho doanh nghiệp, doanh nghiệp chuyển cho cơ quan BHXH thực hiện chi trả.
Nhưng hiện mới chỉ hơn 1 triệu/ 2,7 triệu người bảo lưu về quê sau đợt bùng phát dịch thứ 4 nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH.