2 giờ phẫu thuật lấy 3m ruột tím đen
2 ngày trước khi nhập viện, bà Đoàn Thị H. (81 tuổi, Quảng Ninh) thấy đau bụng, đau quanh rốn, đau âm ỉ, cơn đau tăng dần kèm theo mệt mỏi tăng dần. Kết quả chiếu chụp, ruột bệnh nhân bị hoại tử nhiều đoạn tím đen.
ThS.BS Đào Đăng Sơn, Khoa Ngoại tiêu hóa & tổng hợp, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí cho biết, người bệnh có tiền sử mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giảm tiểu cầu và đã từng phẫu thuật lấy huyết khối mạch trụ tay trái. Huyết khối gây tắc mạch khiến ruột hoại tử.
Xác định đây là ca bệnh khó, phức tạp bởi người bệnh tuổi cao, già yếu, có nhiều bệnh lý nền, tiềm ẩn nhiều biến chứng, rất khó khăn khi phẫu thuật và điều trị hậu phẫu... Khi phẫu thuật, gần như toàn bộ ruột non và đại tràng đã hoại tử có màu tím đen, mất nhu động ruột, nhiều đoạn hoại tử có nhiều giả mạc, ruột đã gần vỡ. Các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ gần hết ruột non và đại tràng, để lại khoảng 1m ruột non và trực tràng. Sau khoảng 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra khoảng 3m ruột hoại tử tím đen và đã cứu sống được người bệnh.
Theo ThS.BS Đào Đăng Sơn, đối với tổn thương như trường hợp của người bệnh H. là rất phức tạp, do không phát hiện bệnh sớm, khi nhập viện bệnh đã rất nặng. Vì vậy, khi có các biểu hiện đau bụng nhiều, đau vùng quanh rốn, đau liên tục kèm theo có sốt, người bệnh cần đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Nhiều yếu tố khiến ruột hoại tử
Theo ThS Nguyễn Bạch Đằng, Bệnh viện Quân y 103, viêm ruột hoại tử là bệnh lý đường tiêu hóa nặng. Nguyên nhân có liên quan đến sinh bệnh học, nhiễm khuẩn, dinh dưỡng, tổn thương mạch máu tại chỗ. Nguyên nhân hay được nhắc đến là do độc tố toxin của Clostridium Welchi type C (CWC hay còn gọi là Welchi Perfringens). Loại độc tố này rất dễ bị hủy diệt bởi men trypsin có trong ruột người bình thường, nhờ đó chúng ta không bị bệnh. Nếu chế độ ăn thiếu protein, ăn các thức ăn có nhiều chất chống men trypsin, mắc bệnh giun đũa hoặc chế độ ăn đột nhiên có nhiều thịt thì độc tố toxin của vi khuẩn tiết ra không bị hủy bởi men trypsin của ruột, khi đó độc tố sẽ gây hoại tử ruột.
ThS Nguyễn Tiến Đông, Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, đau bụng do tắc động mạch mạc treo là nguyên nhân khiến ruột hoại tử nhanh gây nguy hiểm tới tính mạng. Tắc động mạch mạc treo là tình trạng tắc nghẽn động mạch nuôi ruột khiến máu không đến nuôi ruột non và ruột già và gây hoại tử ruột.
Nguyên nhân của tắc động mạch treo được chia làm ba nhóm lớn: Tắc mạch do cục máu đông từ nơi khác di chuyển đến chiếm 50% các trường hợp, thường gặp trong các bệnh tim mạch như rung nhĩ, huyết khối thành mạch, bệnh van tim, các khối u của động mạch chủ, tắc mạch do lượng mỡ máu quá cao. Nhóm hai là nghẽn mạch chiếm 25% các trường hợp, thường gặp ở người bị thiếu máu mạn tính động mạch mạc treo; viêm động mạch; bệnh viêm xơ loạn sản mạch máu, xơ vữa động mạch, phồng tách động mạch; chấn thương, lạm dụng các chất ma túy như cocaine... Nhóm ba là nhóm nguyên nhân gây thiếu máu động mạch như: Thiếu máu ruột do sốc tụt huyết áp quá nặng và kéo dài; suy tim; làm cầu nối tim phổi. Ngoài ra, còn do lồng ruột, thoát vị nghẹt... Triệu chứng thường gặp là đau bụng từng cơn sau ăn. Nếu không được chẩn đoán, xử lý kịp thời, thì tỷ lệ tử vong rất cao 70 - 90%. Đặc biệt, nếu chỉ điều trị thuốc đơn thuần thì tỷ lệ tử vong là 100%.
Các chuyên gia cho biết, thời gian vàng để cứu đoạn ruột bị hoại tử là từ 6 – 8 giờ từ khi bị bệnh, khi ruột mới bị viêm nhiễm, chưa hoại tử và vi khuẩn gây viêm ruột chưa xâm nhập vào máu gây suy đa tạng. Thời gian ruột bắt đầu hoại tử từ sau 8 giờ và khi ruột hoại tử thì dù phẫu thuật cắt đoạn ruột, tỷ lệ tử vong vẫn rất cao. Vì vậy, với những người có các bệnh tim mạch, xơ vữa động mạc, đái tháo đường, hút thuốc lá nhiều… nếu thấy đau bụng dữ dội không đặc hiệu, không có điểm đau khu trú phải đi viện cấp cứu ngay.