Cứu bé sơ sinh bị vỡ ruột từ trong bụng mẹ

Vỡ 20 cm ruột trong bụng mẹ khiến bé sinh non bị nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu.... Sự phối hợp kịp thời giữa 2 bệnh viện đã cứu sống bé 1 cách ngoạn mục.

Chạy đua cùng thời gian

Mới đây Bệnh viện Nhi đồng 2 đã cứu sống bé sơ sinh từ một bệnh viện sản chuyển đến trong bệnh cảnh da bụng nề đỏ, suy hô hấp nặng, nhiễm trùng sơ sinh. Đặc biệt bệnh nhi mới 4 giờ tuổi, sinh non 36 tuần, cân nặng lúc sinh 2500 gam.

Trước đó, mẹ của bệnh nhi qua khám thai định kỳ ghi nhận thai nhi tràn dịch màng phổi, màng bụng. Bác sĩ sản khoa nghi ngờ bé có tình trạng viêm phúc mạc ngay trong thời kỳ bào thai. Với sự phối hợp của cả hai bệnh viện sản – nhi, bệnh nhi ngay khi chào đời đã được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục điều trị.

Tại khoa Cấp cứu của bệnh viện bé được thực hiện các xét nghiệm tiền phẫu và X-quang với kết quả nhiều hơi tự do. Lập tức hội chẩn khoa Ngoại tổng hợp phẫu thuật cấp cứu trong đêm.

Phẫu thuật trong đêm để cứu trẻ - Ảnh BVCC

Phẫu thuật trong đêm để cứu trẻ - Ảnh BVCC

BS.CK1 Nguyễn Hiền, khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện là phẫu thuật viên chính của trường hợp này. Theo Bác sĩ Hiền đây là ca phẫu thuật khó, tình trạng bệnh nhi trước phẫu thuật nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu. Nhận thấy bé cần sớm được phẫu thuật, thời gian mổ phải nhanh, chính xác để tránh tình trạng mất máu, hạ thân nhiệt….

Cụ thể khi phẫu thuật vào ổ bụng phát hiện nhiều phân su, dịch ổ bụng vàng đục, một đoạn ruột dài khoảng 20 cm đã hoại tử vỡ từ trước. Từ đó khiến ổ bụng dơ, các quay ruột dính chặt với nhau thành khối, gây tắc ruột. Bé đã được phẫu thuật gở dính ruột, cắt bỏ đoạn ruột hoại tử, làm hậu môn tạm, rửa bụng, dẫn lưu. Sau phẫu thuật bệnh nhi đã dần hồi phục.

Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2 thì đây là một ca phẫu thuật rất khó. Vì tình trạng bệnh trước mổ nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu, bé sanh non, nhẹ cân và có tình trạng suy hô hấp nặng.

Do vậy toàn bộ ê kip xác định phải hết sức tích cực, khẩn trương và tập trung cao độ để cứu bé. Bệnh nhi cần phải được phẫu thuật càng sớm càng tốt và được hồi sức cùng lúc trước mổ, thời gian mổ phải nhanh, gọn chính xác để tránh tình trạng mất máu, hạ thân nhiệt…

BS Thạch thông tin thêm, sau phẫu thuật hiện tại tình trạng bé dần ổn định, đã ăn sữa lại được, mọi sinh hiệu đã ổn định. Về lâu dài bé sẽ được đóng hậu môn nhân tạo, thiết lập lại sự lưu thông ruột về bình thường. Việc này bệnh viện có kế hoạch phẫu thuật trong một vài tháng tới khi tình trạng bé ổn định nhất.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch thông tin thêm về ca bệnh, bên cạnh đó đoạn ruột hoại tử đã cắt khá dài, là đoạn giữa ruột non nên đoạn ruột còn lại ngắn, gây ra hội chứng ruột ngắn. Vấn đề hấp thu dinh dưỡng hết sức bức thiết và cực kỳ tối quan trọng giúp bé duy trì đủ năng lượng, bù đắp stress phẫu thuật cũng như duy trì sự phát triển và chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật đóng hậu môn nhân tạo sắp tới.

Bệnh nhi cần được nuôi ăn tĩnh mạch hỗ trợ cùng với ăn uống qua đường miệng đến khi tình trạng bé hoàn toàn ổn định, các bác sĩ sẽ phẫu thuật đóng lại hậu môn tạm, giải quyết tình trạng ruột ngắn.

Liên quan đến hội chứng ruột ngắn, TS.BS Phạm Ngọc Thạch cho biết đây là tình trạng kém hấp thu các chất dinh dưỡng có thể do bẩm sinh. Tình trạng hay gặp sau các phẫu thuật ống tiêu hoá. Trẻ mắc hội chứng này nếu không được điều trị hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng mất nước điện giải, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng nặng, tử vong.

Hiện bé được chăm sóc đặc biệt tại khoa sơ sinh bệnh viện Nhi đồng 2, nơi có rất nhiều kinh nghiệm trong nuôi ăn tĩnh mạch cho các trường hợp ruột ngắn này. Tại phòng nuôi ăn tĩnh mạch, bệnh nhi sẽ được nuôi ăn với chế độ dinh dưỡng phù hợp kèm với dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, hạn chế tối đa tình trạng nhiễm trùng.

Thăm khám cho bệnh nhi sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Thăm khám cho bệnh nhi sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Phát hiện sớm viêm phúc mạc bào thai tăng cơ hội sống

Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, từ đầu năm 2024 bệnh viện tiếp nhận khoảng gần 10 trường hợp viêm phúc mạc bào thai.

Viêm phúc mạc thai là một viêm hóa học phản ứng vô khuẩn của phúc mạc do dịch ruột của thai đi qua lỗ thủng của ống tiêu hóa của thai. Tỉ lệ mắc khoảng 1: 35.000 ca đẻ sống. Bệnh có thể chẩn đoán trước sinh và được điều trị ngay sau sinh, giúp mang lại nhiều kết quả tới sự phát triển sau này của trẻ.

Việc chẩn đoán tiền sản sớm và sự phối hợp gắn kết các bác sĩ sản- bác sĩ nhi khoa sẽ mang tính chủ động, có kế hoạch điều trị đúng, kịp thời cho trẻ sơ sinh nhằm tránh các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong. Những trường hợp không có chẩn đoán tiền sản hay có sự chậm trễ bỏ sót, biến chứng sẽ vô cùng nguy hiểm. Nhiều trường hợp rất nặng nề nguy cớ tử vong cao.

Đều trị viêm phúc mạc bào thai nên có sự kết hợp chặt chẽ giữa bác sĩ sản khoa và nhi khoa để để đem lại kết quả tốt nhất. Bác sĩ Thạch khuyến cáo thai phụ nên khám thai định kỳ đầy đủ để theo dõi tình hình.

Theo Đời sống
back to top