Chuyến đi trong đêm
Trong cuốn sách mới xuất bản Hành trình đi tìm ân nhân, nhà báo Nguyễn Công Tư đã kể lại câu chuyện cách nay đúng 46 năm. Tháng 10/1972, trong một trận đánh không cân sức tại bốt Cầu Giong (Cai Lậy, Tiền Giang), ông Tư là Trung đội phó bị một mảnh đạn M79 găm vào hông, xuyên vào ổ bụng. Sau khi bắn quả B40 cuối cùng và ném 1 quả lựu đạn, ông cùng với một đồng chí tên Sinh lao xuống kênh, chạy vào rừng tràm.
Giữa Đồng Tháp Mười mênh mông nước, trời sắp tối, không phương hướng, không có gì ăn, chỉ còn duy nhất một quả lựu đạn, vết thương ở bụng mỗi lúc một trướng lên, vậy mà họ, người khỏe bò trước rẽ cỏ để người bị thương đau đớn bò sau.
Đến khi nhìn thấy mấy ngôi nhà, họ quyết định bò vào ngôi nhà có hàng cây bao quanh. Vừa bước lên ông đã ngã nhào xuống nền nhà. Trong nhà có một bà má già và hai cô gái, họ lau máu cho ông, cho ăn rồi bảo phải đi ngay vì ở đây ngập nước, hầm cũng ngập, xung quanh toàn lính ngụy, nếu ở lại thì sáng mai chắc chắn sẽ bị bắt.
Giữa lúc đó, bà má nói nhỏ với hai cô gái, rồi họ đi vòng ra sau nhà kéo một chiếc xuồng ba lá rồi dìu ông xuống. Đi lòng vòng suốt đêm vì mất phương hướng, vì vướng xác người chết nổi lều bều, nhiều lúc không dám lên bờ để đẩy xuồng vì sợ mìn và lựu đạn cài nổ…
Gần sáng thì họ đến được trạm tiền tiêu của bộ đội địa phương, được y tá tiêm thuốc, băng bó. Lúc chia tay, ông chỉ thều thào cảm ơn thì hai chị nói: Chúng tôi phải cảm ơn các chú từ miền Bắc vào chiến đấu đuổi giặc cho chúng tôi. Chú bị thương nặng lắm, tôi mong chú mau lành bệnh, Tôi là Bảy, cô này tên là Chín, khi nào có dịp qua đây, chú ghé thăm chúng tôi.
40 năm đi tìm
Chỉ có chừng ấy thông tin thôi nên phải sau 46 năm ông mới tìm lại được ân nhân thuở ấy. Dù từ năm 1978, cứ mỗi lần có dịp vào miền Nam công tác, ông lại tranh thủ đi tìm. Nhưng Đồng Tháp Mười mênh mông, cây cỏ ngút ngàn, mà hồi họ chiến đấu ở đó chủ yếu di chuyển trong đêm, địa hình không biết. Hỏi thăm thì dân ở đây đều cười mà nói ở cái xứ Nam bộ này đâu mà chả có chị Bảy, chị Chín.
Mãi đến tháng 5/2018, qua bạn bè ông được biết bốt Cầu Giong nay là xóm Đào, xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Rồi cứ qua người nọ người kia, sự kiên trì của ông cộng với nhiệt tình của bạn bè và thêm cả may mắn nữa, cuối cùng ông cũng tìm được những ân nhân của mình. Bà má ngày ấy là má Tư Ngoạn đã mất năm 2000 thọ 91 tuổi. Chị Bảy Khinh mất năm 2014 khi vừa 74 tuổi. Còn chị Sáu (chị Chín) nay đã gần 70.
Khi vừa gặp bà đã nói: Trời ơi, cái mạng của chú lớn lắm đó. Tôi còn nhớ nếu tối đó chú không bò vào nhà chúng tôi mà bò vào cái nhà ở góc sau thì chú bị bắn chết rồi. Khi vào nhà tôi, tay chú cầm lăm lăm quả lựu đạn, mình mẩy máu me tèm lem. Ở hông bụng máu vẫn chảy ra, mấy con đỉa bán vào đó hút máu. Trên đầu chú cũng có máu chảy.
Nghe đến chi tiết này, ông biết đây đúng là người đã cứu mạng mình hôm ấy. Người ông đã đi tìm 46 năm, người giờ đây với ông gần gũi thân thương như chị ruột.
Sau đó một tuần, ông Tư lại trở lại xóm Đào để bàn về chuyến đi Hà Nội cho gia đình bà Sáu.
Nhà báo Nguyễn Công Tư (áo nâu) trong lần gặp gỡ với gia đình bà Sáu (áo trắng) tại Hà Nội. |
Những người lần đầu ra miền Bắc
Và ngày 26/10/2018, ông Tư đã thật mãn nguyện khi đón được đoàn 6 người trong gia đình bà Sáu ra thăm nhà mình. Tôi đã may mắn được gặp bà Sáu, người phụ nữ chân chất, thật thà như đếm và đậm chất Nam Bộ ấy.
Bà kể, hồi đó nào có biết mặt mũi chú ấy thế nào đâu vì trời tối, đến tên cũng không kịp hỏi. Chỉ nhớ chú ấy bị thương nặng thế mà tay vẫn lăm lăm quả lựu đạn. Mà ngày ấy, cứ thấy bộ đội là thương vì nghĩ họ từ miền Bắc vào giúp mình đánh giặc, lạ nước lạ cái lại chịu nhiều khổ cực.
Với lại giúp bộ đội là chuyện hết sức bình thường. Bà đã chăm sóc hàng trăm thương binh, có người cả tháng trời, thân thiết, gắn bó hơn nhiều. Có người khi về miền Bắc đã hứa sẽ đón bà ra chơi. Nhưng từ đó đến nay không một ai trở lại.
Chỉ có chú Tư là người tình nghĩa đến lạ. Cũng tưởng là chị em gặp nhau, nhận nhau, coi nhau như ruột thịt, thỉnh thoảng gọi điện hay về thăm nhau là đủ rồi. Nào ngờ ông ấy cứ nhất định tổ chức một chuyến đi cho cả 6 người ra Hà Nội. Lại bố trí ở luôn trong nhà mình, vợ con cũng phải vất vả.
Lần đầu tiên mọi người mới được đi máy bay, được ra Thủ đô thăm lăng Bác, thăm Hồ Gươm, về thăm chùa Bái Đính, Tràng An (Ninh Bình)… đi đâu cũng có xe đưa đón, chu đáo lắm. Người đâu lại có người lạ vậy. Đến trẻ con trong nhà cũng quý ông Tư, nhắc ông Tư suốt.
Nghĩa tình còn mãi
Còn ông Tư thì mãn nguyện lắm. Ông bảo, người ta kéo xuồng cứu mình khi mà xung quanh toàn lính ngụy, nguy hiểm như thế là đã xác định có thể sẽ chết. Vậy mà vẫn làm để cứu mình. Cái ơn đấy sâu nặng lắm, chưa trả được thì còn canh cánh trong lòng chưa yên.
Trả được ơn rồi thì không chỉ toại nguyện mà mình còn được rất nhiều. Trước hết là sự thanh thản trong lòng. Thứ hai là được thêm một gia đình ruột thịt. Để mỗi lần vào thăm từ ông già bà cả đến con nít đều quây quần xúm xít, yêu quý ông Tư lắm. Và cũng như với những người thân yêu của mình, mình mong muốn làm được một điều gì đó tốt đẹp cho họ. Được đưa gia đình bà Sáu ra thăm Hà Nội, thăm chùa Bái Đính, đi thuyền trên sông nước Tràng An, thấy họ trầm trồ thán phục, sung sướng, mình còn sướng hơn.
Thứ nữa, đây cũng là dịp để ông giáo dục con cháu, sống phải có tình nghĩa, có trước có sau. Ông rất vui khi vợ con, bạn bè cũng chia sẻ niềm vui này với mình. Cô con gái, người tài trợ chính cho chuyến đi này đã nói: Không có hai bác thì không có bố, không có bố thì không có chúng con. Thế là ông không chỉ toại nguyện trong việc tìm lại và đáp nghĩa ân nhân mà còn vui và yên tâm vì con cái biết sống có nghĩa, có tình.
Thế là họ đã gặp nhau. Cuộc gặp gỡ kết thúc 46 năm tìm kiếm nhưng lại mở ra một trang mới đầy yêu thương. Một câu chuyện thật cảm động. Đúng là nghĩa tình không chỉ còn mãi, mà còn nhân lên mãi.