“Cúng sao giải hạn” có tránh được vận hạn và dịch Covid-19?

(khoahocdoisong.vn) - Lễ cúng sao giải hạn thường được nhân dân thực hiện vào tháng 1 đầu năm. Tuy nhiên, theo giáo lý nhà Phật thì không có sao tốt hay sao xấu và không khuyến khích việc lễ cúng dâng sao giải hạn. Hãy theo cách đơn giản của nhà Phật để chúng ta hóa giải vận hạn, biến nguy thành an.

Làm lành tránh dữ

Dựa trên nền nhân quả của đạo Phật, chỉ cần ứng xử hợp lý trong cuộc sống, không cần nghi lễ “cúng sao”, vẫn có thể biến nguy thành an. Ngày nay, nạn dịch Covid-19 hoành hành khắp toàn cầu, càng chứng minh rằng vận mệnh của loài người không hề phụ thuộc vào các “sao” ngoài vũ trụ, mà phụ thuộc vào cách hành xử của con người trên thế giới này. 

Chính trong lúc này, mỗi người, mỗi quốc gia lại càng thể hiện mạnh mẽ ý chí, nghị lực và niềm tin của mình. Một khi có quyết tâm mạnh mẽ, chúng ta sẽ có thể khống chế sự lan tràn và tìm ra phương thức trị liệu hữu hiệu nhất, giúp mọi người bình an, vượt qua đại dịch này.   

Việc thực hành một số nghi lễ văn hóa, trong đó khá nặng nề là hoạt động cúng sao giải hạn đang trở nên lệch lạc trong đời sống tâm linh.. Tuy nhiên, hoạt động này dường như đã trở thành một tập tục đã ăn sâu vào nếp nghĩ người dân mà các nhà quản lý văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, cần sớm có giải pháp chấn chỉnh…

Mọi người không thể trông chờ vào việc dâng sao giải hạn để mong chờ có cuộc sống tốt đẹp hơn nếu như không làm lành tránh dữ, không tin nhân quả. 

Theo giáo lý nhà Phật thì không có sao tốt hay sao xấu và nhà Phật không khuyến khích việc lễ cúng dâng sao giải hạn. Năm nay, do nạn dịch, một số chùa trong vùng giãn cách xã hội cấm tập trung đông người, nhưng tập tục “dâng sao giải hạn” vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức. Với nhà Phật, vào chùa là đi tìm tới trí tuệ giác ngộ, thiện tâm trên nền tảng nhân quả, do đó, đưa dâng sao giải hạn vào trong nhà chùa đó là một phần làm xấu đi hình ảnh của cửa Phật. 

Tự dựa vào sức mạnh của chính mình

Tục cúng sao có nguồn gốc từ đạo giáo của Trung Quốc, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tôn giáo của nước này từ hàng nghìn năm nay. Đạo Phật coi tập tục cúng sao vào nhóm mê tín, tà kiến.

Thực sự, đi dâng sao giải hạn thuộc những người theo tín ngưỡng dân gian chứ không thuộc tôn giáo, không thuộc đạo Phật. 

Khi mọi người càng hoang mang càng khiến cuộc sống nhiễu loạn thì chúng ta tìm về cách Đức Phật hóa giải thiên tai, dịch bệnh để thử tìm ra bài học nào đó mong có thể tự cứu lấy chính mình.

Đức Phật đã dạy cho mọi người hãy phát nguyện sống trong tinh thần lục hòa, bằng cộng lực của muôn chúng sinh, tự dựa vào sức mạnh của chính mình, chứ hoàn toàn không dựa vào việc cầu xin tha lực của các vì sao huyền bí xa xôi trong vũ trụ.

Theo tư duy khoa học, tên của các “vì sao” chính là các “biến số” được gán theo ý nghĩa tượng trưng, hoàn toàn không mang ý nghĩa công năng huyền bí như người xưa vẫn nghĩ. Đức Phật sau khi chứng Tam Minh, ngài nhìn thấy hằng hà sa số thế giới, và chỉ rõ vai trò tự chịu nhân quả  của mỗi chúng sinh trong cõi thế gian.

Sự phát kiến của khoa học vũ trụ cũng đã chỉ ra rằng không nên thần thánh hóa quyền lực của các “sao” vô tri vô giác trong hằng hà vũ trụ mà quên đi hiệu ứng của quy luật nhân duyên do chính hành giả đã tự gieo trong quá khứ, được lưu giữ trong tàng thức, khi gặp duyên thì đồng hồ sinh học sẽ “báo thức”nảy mầm và thành quả báo.

Mỗi cá thể sinh học chính là chủ nhân của nghiệp lực, là chủ thể của các “vì sao” được cài sẵn trong tàng thức, do vậy chẳng nên cúng kính tha lực hoặc cầu xin sự ban ơn của các “sao” ở bên ngoài, mà hãy xoay lại “thương lượng” với chủ nhân của nghiệp lực – đó chính là chúng ta.

TS Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng UIA)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top