Cúm A/H1N1 nguy hiểm như thế nào?

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM vừa có một ca bệnh tử vong do bị nhiễm cúm A/H1N1. Như vậy trong năm nay đã có 2 người tại TPHCM tử vong do nhiễm bệnh này. Cúm A/H1N1 nguy hiểm như thế nào? Có thành dịch hay không? Làm gì để không lây lan cúm A/H1N1.

Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi ngày có khoảng 20.000 người bao gồm bệnh nhân nội – ngoại trú, nhân viên y tế và thân nhân đi lại, việc lây lan rất dễ dàng.

Tại khu vực hồi sức cấp cứu của khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, nơi đang cho cách ly 6 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 có 3 bệnh nhân phải thở máy. Đây là những bệnh nhân trong số 12 ca dương tính với cúm A/H1N1 vừa qua tại bệnh viện này.

Theo các bác sĩ, một số bệnh nhân đã trải qua 1 tuần mắc bệnh cúm A/H1N1, nhưng do trước đó đã mắc các bệnh mãn tính khác như suy thận mãn, lupus… nên bệnh nhân vẫn trong tình trạng nặng, chưa thể rút máy thở.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh viện Nhiệt đới, nhiều trường hợp nghi ngờ cúm A/H1N1 tại bệnh viện là từ ngày 11/6.

Kết quả xét nghiệm sinh học phân tử xác định 12 người dương tính với virus, trong đó 8 bệnh nhân ở khoa Nội thận, 4 bệnh nhân từ phòng khám và Khoa Cấp cứu.

Tất cả người mắc cúm A/H1N1 là bệnh nhân, không có y bác sĩ nào bị lây nhiễm. Đặc biệt có một ca tử vong do viêm phổi nặng suy hô hấp, suy thận mạn giai đoạn cuối, đồng thời nhiễm cúm A/H1N1.

Bác sĩ Hùng cho biết, đây là chùm ca bệnh đầu tiên tại bệnh viện Chợ Rẫy với số lượng bệnh không ít, đồng loạt xảy ra trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên thời điểm này bắt đầu mùa mưa, là đỉnh điểm của dịch cúm, xuất hiện chùm ca bệnh là dễ hiểu.

Trong khi đó, Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi ngày có khoảng 20.000 người bao gồm bệnh nhân nội – ngoại trú, nhân viên y tế và thân nhân đi lại, việc lây lan rất dễ dàng.

Trước diễn biến tình hình xảy ra phức tạp, có nhiều nguy cơ lây lan, ngay từ khi phát hiện chùm ca bệnh, lãnh đạo bệnh viện đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống cúm A/H1N1 trong bệnh viện. Mỗi Khoa phải báo cáo hàng ngày để có sự chỉ đạo cụ thể, kịp thời, không để dịch bệnh lây lan.

Tại các khu vực tiếp nhận, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh tại các phòng khám của bệnh viện nếu thấy nghi ngờ các trường hợp dịch bệnh truyền nhiễm cúm.

Khi khám và nghi ngờ ca bệnh truyền nhiễm cúm, nhân viên y tế đưa người bệnh đến phòng cách ly, mời hội chẩn và lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ, sau đó chuyển bệnh nhân theo quy trình tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm cúm. Đồng thời có những biện pháp truyền thông bằng tờ rơi, thông báo nhằm khuyến cáo người bệnh, thân nhân người bệnh sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, vệ sinh cá nhân phù hợp nhằm phòng chống lây lan.

Tại Khoa bệnh nhiệt đới, tổ chức khu vực cách ly, sẵn sàng tiếp nhận điều trị những bệnh nhân nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm cúm theo quy định cần điều trị nội trú. Chủ động chuẩn bị giường bệnh, có kế hoạch duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch bệnh truyền nhiễm cúm.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng cho biết: chùm ca bệnh này có thể xảy ra bất cứ cơ sở y tế nào, vấn đề là phải phát hiện sớm, ngăn chặn ngay, không để từ chùm ca bệnh trở thành dịch sẽ khó ngăn ngừa. Hiện nay, về cơ bản bệnh viện đã tạm thời khống chế được dịch cúm này, không xuất hiện thêm một ca nhiễm cúm mới nào trong 2 tuần qua.
“Bệnh viện tập huấn lại tất cả nhân viên y tế cách phát hiện sớm nhất các trường hợp cúm ở các khoa lâm sàng khác nhau, phổ biến cho thân nhân bệnh nhân bằng tờ rơi, thông báo, phòng tránh dịch cúm lây lan, sử dụng các biện pháp thông tin khác cảnh báo và hướng dẫn cách phòng ngừa bị nhiễm”, bác sĩ Lê Quốc Hùng thông tin thêm.

Theo các chuyên gia, thời điểm này ở TPHCM và các tỉnh khu vực phía Nam là mùa mưa, nên người dân thường bị cúm mùa. Cúm A/H1N1 này cũng là một dạng cúm mùa nên không cần quá lo lắng, nhưng vẫn phải tự phòng tránh để khỏi bị lây lan ra cộng đồng.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, việc xuất hiện nhiều ca cúm A/H1N1 trong bệnh viện là do sự thận trọng của bệnh viện, chủ động phát hiện sớm các ca bệnh có dấu hiệu bị cúm để điều trị kịp thời.

Đặc biệt, các ca bệnh xuất hiện ở những khoa đang điều trị bệnh nhân suy giảm miễn dịch như khoa chạy thận nhân tạo, khoa tim mạch… nếu bị lây nhiễm sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy bệnh viện có nhiều biện pháp để phát hiện sớm sẽ giúp cách ly, ngăn chặn lây lan.

Cũng theo bác sĩ Khanh, cúm A này là không phải cúm A từ gia cầm vật nuôi, vì vậy nếu người bình thường bị nhiễm cúm này sẽ tự khỏi trong 7 ngày. Chỉ khi nào cúm A gia cầm vật nuôi thì khả năng tử vong mới cao, do có yếu tố tiếp xúc từ súc vật.

Tuy nhiên, cúm A/H1N1 lại có nguy cơ tử vong đối với những cơ địa đặc biệt, vì miễn dịch họ kém, phổi yếu, sức đề kháng không cao nên dễ nhiễm trùng thông thường. Nếu nhiễm cúm này, người bệnh sẽ bị bội nhiễm vi-rút thông thường, khiến cho bệnh nặng thêm và có khả năng biến chứng, nguy cơ tử vong rất cao.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay: “Cúm xuất hiện hàng năm, nên người dân phải có thói quen mang khẩu trang, rửa tay. Nếu lơ là, chủ quan dễ bị cúm. Dù đã hết bệnh nhưng nếu đến mùa vẫn có thể bị cúm trở lại. Do đó, nếu có điều kiện, người dân nên chích ngừa, đặc biệt là những người tình trạng miễn dịch kém”.

Các bác sĩ cũng cho biết, đa số các trường hợp bệnh cúm có các dấu hiệu nhẹ như sốt cao trên 38 độ C, ho, đau họng, đôi khi cảm thấy mệt mỏi, sổ mũi, đau nhức đầu, đau cơ. Nếu không có nguy cơ diễn biến nặng, người bệnh có thể được điều trị tại nhà và tự khỏi trong vài ngày.

Trong thời gian mắc bệnh, bệnh nhân nên nghỉ ngơi ở nhà, không đi học, đi làm trong vòng 7 ngày sau khởi phát. Đặc biệt, nếu người bệnh có những triệu chứng về đường hô hấp, nên ho vào khuỷu tay, sử dụng khăn giấy, khăn tay, đeo khẩu trang để tránh lây lan ra cộng đồng…

Theo VOV.VN

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top