Hóa chất ngấm theo mạch cây xuống củ
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Viên, Bộ môn Bệnh cây và nông học, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp cho hay, quan niệm củ ít thuốc trừ sâu nói riêng hay thuốc bảo vệ thực vật nói riêng là chưa hợp lý. Bởi, trong bảo vệ cây trồng có đủ các loại thuốc từ phun lá, phun đất.
Trong đó, thuốc phun lá nhưng vẫn có tác động đến củ, do thuốc sẽ đi vào mạch cây, vận chuyển xuống củ, tại đây chúng sẽ tích lũy nên nếu không cách ly khôn đủ thời gian sẽ gây nên tình trạng củ nhiễm độc. Tương tự, các loại thuốc phun xuống đất để diệt côn trùng cũng có thể ngấm vào củ để tích lũy lại.
Củ nhiễm hóa chất không kém rau ăn lá.
“Khó có thể so sánh cây ăn lá hay cây ăn củ sẽ an toàn với thuốc trừ sâu hơn. Bởi tùy thuộc vào người trồng dùng thuốc gì, cơ chế phun ra sao và đó là loại cây thuộc họ gì. Có chăng chỉ là cây ăn lá thường bị phun sát ngày hơn để có độ xanh mướt, củ sẽ hạn chế hơn vấn đề này”, GS.TS Nguyễn Văn Viên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Ngô Vĩnh Viễn, chuyên gia về thuốc bảo vệ thực vật cho hay, có hai loại thuốc trừ sâu là thuốc tiếp xúc và thuốc nội hấp. Nhóm thuốc tiếp xúc được sử dụng để phun trực tiếp vào chỗ có sâu bệnh, còn nhóm thuốc nội hấp là nhóm thuốc để phun ở lá nhưng có tác dụng bảo vệ củ. Các loại này thường có tương tác với nhau từ lá đến củ.
Nên bỏ nước luộc để hạn chế hóa chất khuynh tán
Các chuyên gia cũng phân tích thêm, ngoài nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu, các loại củ còn có nguy cơ nhiễm kim loại nặng tùy vào chất lượng đất và phân bón. Hay, nhiễm các loại thuốc bảo quản sau khi đã thu hoạch nhằm kéo dài thời gian bảo quản. Nên cả hai loại rau ăn củ hay ăn lá đều có những tương tác không tốt đến nhau.
Do đó, để an toàn vẫn cần nhất là đảm bảo an toàn ngay từ khâu trồng để đưa đến người tiêu dùng. Như dùng các loại thuốc trừ sâu sinh học sẽ an toàn các hóa chất, do độ phân hủy nhanh, ít chất độc hại… Hơn nữa là cần thời gian cách ly, bảo quản sau khi thu hoạch.
Đối với người tiêu dùng, quan niệm để củ sau vài ngày mới ăn cũng chưa khoa học. Dù họ quan niệm coi đó là thời gian cách ly. Nhưng thực tế, củ có trao đổi chất mới vận chuyển các chất để phân hủy. Nếu giữ lâu thì các loại củ chỉ giảm chất dinh dưỡng mà các chất hóa học cũng không thay đổi.
GS.TS Nguyễn Văn Viên cũng cho hay, đối với người dùng, để ăn củ an toàn nên áp dụng một số cách như sau: Cần mua rau ở các nguồn an toàn như rau do các đơn vị rau sạch uy tín cung cấp. Khi nấu, cần rửa sạch sau đó gọt kỹ vỏ. Lớp vỏ sẽ là màng bảo vệ cũng như màng hấp thu hóa chất từ đất trước khi cho vào phần thịt củ.
Việc luộc rau, củ và bỏ nước đi cũng giảm được phần nào lượng thuốc trừ sâu trong đó, dù là không loại bỏ triệt để. Bởi lúc này, các chất có khả năng khuynh tán sẽ theo nước ra ngoài. Nhưng cách này thì ít được áp dụng từ trước đến nay, do chúng ta thường có thói quen luộc lấy nước để chan.
“Tuyệt đối không ăn các loại củ có mùi lạ hoặc mùi thuốc trừ sâu. Bởi liều lượng thuốc rất thấp, nếu có mùi mà vẫn ăn vào sẽ gây ngộ độc cấp tính. Ngoài ra cũng không thể phát hiện thuốc trừ sâu, kim loại nặng trong nước luộc” – GS.TS Nguyễn Văn Viên.
Hà Trang